Bao giờ di dời nhà máy khỏi nội đô?

Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch chung ra khỏi nội đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Thế nhưng cho đến nay, kết quả của việc di dời vẫn chậm trễ.

Việc di dời các cơ sở công nghiệp trong nội đô còn gặp nhiều khó khăn.
Việc di dời các cơ sở công nghiệp trong nội đô còn gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp “cố thủ”

Từ lâu, đã có đề xuất di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô bởi người dân liên tục phản ánh tình trạng khói, bụi than, bụi bông... xả tràn lan gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, hiện vẫn chưa có mấy cơ sở sản xuất chịu “nhả” đất vàng cho chính quyền địa phương. Đơn cử như trường hợp của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân ở đường Minh Khai (phường Vĩnh Tuy), Nhà máy sản xuất thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân), Công ty CP thương mại Bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình)…

Ông Tiến (phường Liễu Giai, Hà Nội) cho biết: “Suốt thời gian dài, Công ty CP thương mại Bia Hà Nội hay xả khói mù mịt, đen ngòm khiến không khí ở đây vô cùng ngột ngạt, khó chịu, nhất là sự việc này toàn diễn ra vào tầm buổi tối muộn. Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường Liễu Giai để phản ánh nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan nào”.

Hơn 20 năm trước, nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch cách nội thành Hà Nội khoảng 25 - 35 km có thể được coi là phù hợp. Nhưng với sự phát triển chóng mặt của đô thị, những khu công nghiệp này nhanh chóng bộc lộ khuyết điểm và hạn chế, trong đó có nhiều khu công nghiệp nằm ở vùng lõi trung tâm bắt đầu gây ô nhiễm nặng nề. Cụ thể, phía tây Hà Nội có Khu công nghiệp Thượng Đình; phía nam là Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Minh Khai; phía tây bắc có Khu công nghiệp Chèm; phía đông bắc (bên kia sông Hồng) có các nhà máy xe lửa Gia Lâm, các nhà máy thuộc Khu công nghiệp Yên Viên, Đông Anh…

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra. Năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, nhưng đến nay, số cơ sở di dời mới chỉ đếm đầu ngón tay.

Bao giờ thực hiện?

Có thể thấy, sự chậm trễ trong công tác di dời đã tác động không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung thành phố. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư đã được tính đến từ thời điểm xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ di dời các cơ sở công nghiệp cũ, cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành, góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đối với đô thị trung tâm.

Thực tế, nhiều cơ sở dù nằm trong danh sách cần di chuyển gấp nhưng vẫn chây ỳ. Vì thế, thành phố cần có một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất. Ngoài ra, để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn nên muốn di dời, thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng, hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho thành phố quản lý và sử dụng.

Nhìn vào danh mục các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô có thể thấy, bốn bề Hà Nội đều phát triển công nghiệp và mùa nào cũng phải chịu không khí ô nhiễm. Chính những cơ sở, khu công nghiệp này là thủ phạm gây ra nhiều hệ lụy về môi trường sống, mà vụ cháy (tối 28-8) vừa qua tại Công ty Rạng Đông (quận Thanh Xuân) là một thí dụ điển hình. Nhiều người lại tiếp tục đặt câu hỏi: đến bao giờ những nhà máy, xí nghiệp tồn tại trong nội đô, hoặc ở nơi có quần thể cư dân đông đúc mới được di dời? Bởi sau vụ cháy này, những quy định về công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn sản xuất ở những khu công nghiệp đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. Về lâu dài, chắc chắn sẽ còn những nguy cơ tiềm ẩn và nguy hiểm hơn.