Báo động ô nhiễm trong khu dân cư

Để hạn chế ô nhiễm môi trường, những năm qua, TP Hồ Chí Minh tập trung di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, công tác này diễn ra chậm. Thời gian tới, chính quyền và các ban, ngành, thành phố sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm 
cải thiện tình trạng này.

Xả rác thải ra hệ thống kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra tại nhiều cụm dân cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Xả rác thải ra hệ thống kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra tại nhiều cụm dân cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bức xúc về ô nhiễm

Người dân tại quận Bình Tân phản ánh tình trạng nhiều cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư đã gây nên tình trạng ô nhiễm vì thường xuyên xả khói thải. Ông Lê Kim Sơn, ngụ tại đường An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết, gia đình ông cùng nhiều hộ dân nhiều năm nay không dám mở cửa sổ bởi bụi bám vào bàn ghế, vật dụng trong nhà. “Chung quanh khu dân cư có cơ sở chế biến gỗ, ống khói xả mù mịt và bụi bẩn văng khắp nơi”, ông Sơn phản ánh.

Lý giải nguyên nhân chưa thể di dời các cơ sở gây ô nhiễm trên, UBND phường An Lạc cho hay, các cơ sở kể trên hình thành nhiều năm nay nên việc di dời máy móc thiết bị, nhà xưởng tốn kém kinh phí rất lớn. Trong khi đó, để di dời, các cơ sở phải đi thuê đất, đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải... Vì những nguyên nhân đó nên nhiều cơ sở sản xuất chưa chịu di dời, dù chính quyền phường, quận đã nhiều lần lập biên bản hành chính xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư không chỉ diễn ra ở quận Bình Tân mà còn ở các quận, huyện khác. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, tại các quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh… số lượng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, vừa ở vừa kết hợp sản xuất chiếm số lượng rất lớn. Nhiều cơ sở sản xuất hằng ngày gây ô nhiễm về không khí, nguồn nước, gây tiếng ồn quá mức dù người dân chung quanh đã nhiều lần kiến nghị địa phương có giải pháp xử lý nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Đơn cử, bãi tập kết rác ở ấp Dân Thắng 1 (xã Tân Thới Nhì) được huyện Hóc Môn giao cho Công ty Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn giám sát và khai thác. Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 50 lượt xe chở rác thải sinh hoạt tập kết về đây, khiến môi trường khu vực này bị ô nhiễm. Bà Triệu Thị Lành, nhà ngay cạnh bãi tập kết rác cho biết, gia đình bà thường xuyên phải gánh chịu mùi hôi thối, ruồi bọ, nước thải từ bãi tập kết rác gây ra. Không những vậy, xe chở rác hoạt động liên tục từ 3 giờ sáng khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Siết chặt quản lý

Chia sẻ về công tác giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh khẳng định, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý, yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là các văn bản pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể. Để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chây ỳ, huyện Bình Chánh đã rà soát việc cho thuê đất, không tiếp tục cho những cơ sở này thuê tiếp nếu không khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đơn giản hóa trong đăng ký và cấp phép kinh doanh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng dẫn đến một hệ lụy là dễ hình thành mới cơ sở ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Công tác hậu kiểm với cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện chặt chẽ. Trong khi, các cơ sở vi phạm ngày càng tinh vi, có hành vi đối phó như hoạt động vào ban đêm, không chấp hành quyết định xử phạt, thay đổi tên doanh nghiệp, thuê địa điểm khác...

TP Hồ Chí Minh đang siết chặt quản lý môi trường đô thị, trong đó vấn đề chất lượng không khí được quan tâm hàng đầu. Ngoài các trạm quan trắc về chất lượng không khí của thành phố, còn kết nối với các trạm quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng trên địa bàn để thường xuyên theo dõi chất lượng không khí. Đây là cơ sở để xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm không khí, trong đó có các nhà máy, xí nghiệp sản xuất xả khí thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm.

Theo GS, TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), để xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, thời gian tới, thành phố cần làm mạnh hơn nữa trong việc công khai danh sách cơ sở gây ô nhiễm, tùy mức độ vi phạm để tính tới biện pháp thu hồi đăng ký kinh doanh, hoặc có các biện pháp tiếp theo. Tiếp tục duy trì triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý kịp thời những ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường. Đối với các địa phương, cần tăng cường những giải pháp kiểm tra vừa thường xuyên, vừa đột xuất để công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả. Với các cơ sở có quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực tài chính để di dời nhưng có mong muốn thay đổi thiết bị sản xuất thân thiện môi trường, các cấp chính quyền cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ.