Bãi đỗ xe ngầm... vẫn nằm trên giấy

Để giảm tải ùn tắc giao thông cũng như đáp ứng nhu cầu đỗ xe ô-tô của người dân, TP Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm. Thế nhưng, đến nay hầu hết các dự án này chưa được triển khai bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thành phố đang thiếu các bãi đỗ xe trầm trọng.
Thành phố đang thiếu các bãi đỗ xe trầm trọng.

Quá tải nơi đỗ xe

8giờ sáng, điểm dừng, đỗ xe trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) đã ken đặc. Loay hoay mãi không tìm được nơi gửi xe, anh Đức (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) lách xe vào phố nhỏ Nguyễn Khắc Cần tìm nơi gửi nhưng tại đây, xe ô-tô cũng xếp hàng kín vỉa hè. Không tìm được chỗ, anh Đức phải chạy ra điểm trông xe trên đê Trần Quang Khải, sau đó đi xe ôm vào phố.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, 12 quận nội thành của thành phố hiện có 590 điểm, bãi đỗ xe tập trung với diện tích khoảng 37,88 ha. Trong khi đó, lượng xe các loại của thành phố vào khoảng 5,8 triệu xe. Ước tính, diện tích các điểm, bãi đỗ xe tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Còn lại khoảng 90% số phương tiện có nhu cầu gửi hiện đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, các khu đất trống của các dự án... Với tình trạng khan hiếm chỗ đỗ xe, không ít người có ô-tô đành ngậm ngùi đi xe máy, bất đắc dĩ mới đi “xế hộp”.

Khan hiếm nơi gửi nhưng hiện ở khu vực trung tâm không còn điểm đỗ ô-tô nào được cấp phép mới, kể cả những tuyến phố dài với hàng chục trụ sở cơ quan, siêu thị, cửa hàng kinh doanh có mặt tiền trên phố. Điều đó gây bức xúc rất lớn cho các chủ phương tiện ở chính những tuyến phố đó và từ nơi khác đến làm việc trên những phố này.

Theo các chuyên gia giao thông Hà Nội, với điều kiện hạ tầng các tuyến phố thuộc các quận nội thành như hiện nay thì không thể quy hoạch điểm dừng, đỗ phương tiện, vì quỹ đất dành cho hệ thống giao thông tĩnh quá thấp. Đơn cử như tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên… các tuyến giao thông được quy hoạch từ cách đây hàng chục năm, nếu áp dụng mật độ phương tiện giao thông thời điểm này là rất khập khiễng. Trong khi đó, việc quy hoạch thêm các điểm dừng, đỗ trong nội thành đang gặp nhiều khó khăn, vô tình gây áp lực không nhỏ cho giao thông nội đô.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ đang quá nhanh (trung bình, đối với ô-tô là khoảng 10,2%/năm và xe máy khoảng 6,7%/năm). Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25%- 0,3%/năm, chưa theo kịp tốc độ gia tăng về phương tiện, điều đó dẫn đến quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.

Cần có cơ chế riêng

Để đáp ứng nhu cầu trên, từ lâu thành phố Hà Nội đã chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm. Một trong những dự án được người dân quan tâm là khu vực Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội nằm trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Ngay từ giữa năm 2012, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề nghị triển khai xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại đây. Thế nhưng, sau nhiều kỳ vọng, đến nay dự án này vẫn “án binh bất động”. Tương tự, việc triển khai xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, điểm giao nhau của các tuyến phố Ngô Quyền và Lê Lai (gần Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội), dù đã có chủ trương từ lâu nhưng cũng đang “giậm chân tại chỗ”.

Bất cập nhất có lẽ là dự án bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Thống Nhất (đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng). Sau gần 10 năm triển khai, khu đất rộng hơn 10.000 m2 này vẫn chỉ quây rào tôn bốn phía chung quanh. Nhìn từ trên cao, khu đất rộng mênh mông đang để cỏ và cây dại mọc um tùm, phần diện tích giáp đường Lê Duẩn và đường nội bộ trong công viên được san phẳng làm bãi trông xe tự phát.

Ngoài ba dự án bãi đỗ xe trên, từ năm 2010 đến nay, UBND TP Hà Nội cũng đưa ra chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm khác tại Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng). Thế nhưng, các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Lý giải cho việc chậm triển khai các dự án trên, đại diện một số nhà đầu tư cho biết, mức đầu tư vào các dự án này rất lớn nhưng khả năng thu hồi vốn lại rất chậm. Phần lớn nguồn vốn đầu tư doanh nghiệp đi vay ngân hàng nên việc thu hồi vốn kéo dài là một bất lợi lớn, do đó nhiều doanh nghiệp không mặn mà.

Một số ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng nên tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và chủ đầu tư. Cùng với đó, cần có ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; thuê đất, giao đất trong việc sử dụng, đồng thời áp dụng các công nghệ hiện đại khi tiến hành triển khai dự án. Ngoài ra, để thu hút nguồn vốn đầu tư, có thể cho phép xã hội hóa các công trình này, tuy nhiên cần có quy định quản lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch.