Sắp diễn ra hội chợ OCOP

Hà Nội sẽ tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) vào những ngày cuối tháng 6. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương và công bố quyết định công nhận sản phẩm (OCOP) cấp thành phố” lần thứ nhất, với mục đích để người tiêu dùng Hà Nội và cả nước nhận diện thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Thủ đô.

Sản phẩm quạt giấy của làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội).
Sản phẩm quạt giấy của làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội).

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, hội chợ OCOP lần này sẽ chỉ trưng bày các sản phẩm của Hà Nội nhằm hướng tới mục tiêu tôn vinh các chủ thể có sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Theo đó, hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28-6 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tham gia chuỗi sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP là 100 chủ thể với năm nhóm sản phẩm bao gồm đồ uống, thảo dược, thực phẩm, vải may mặc, đồ lưu niệm - nội thất - trang trí. Đó cũng chính là các sản phẩm OCOP đã được thành phố công nhận là sản phẩm làng nghề của Thủ đô. Cùng với đó là hội thảo kết nối giao thương các sản phẩm OCOP nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các kênh phân phối. Đó chính là những điểm giới thiệu, bán sản phẩm chất lượng trên toàn thành phố như hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online..., nhằm tìm cơ hội hợp tác, sản xuất, kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 2019, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 301 sản phẩm OCOP và tiếp tục phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ đánh giá, xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm OCOP và đạt mức tăng trưởng 4,12%. Trên cơ sở đó, theo định hướng đến năm 2025, toàn thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được ít nhất 1.500 sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên, trong đó có 150 sản phẩm đề nghị T.Ư công nhận sản phẩm năm sao (sản phẩm cấp quốc gia).

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sản phẩm OCOP là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp Thủ đô. Việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các hợp tác xã và người dân, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển. Đây cũng là cơ hội để đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng như tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường đến tiêu thụ sản phẩm. Toàn thành phố có 1.350 làng có nghề, nhưng ghi dấu ấn, được nhiều người biết đến nhất là làng nghề gốm sứ ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và nghề dệt lụa phường Vạn Phúc (quận Hà Đông). Trong tổng số 301 sản phẩm đã được xếp hạng OCOP, có sáu sản phẩm tiềm năng đạt năm sao, 207 sản phẩm đạt bốn sao và 88 sản phẩm đạt ba sao.

Được biết, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, các siêu thị, trung tâm thương mại... dự kiến tổ chức một số hội nghị, hội thảo đánh giá thế mạnh, hạn chế trong việc phát triển các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó sẽ tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với vùng, miền tại tuyến phố đi bộ Hà Nội cũng như thí điểm xây dựng năm điểm tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ 70% kinh phí cho chủ thể tham gia tại các hội chợ giới thiệu sản phẩm.