Hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời áp mái

Sắp tới, các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ tối đa từ 6 - 9 triệu đồng/hộ. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý nằm trong “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam” mà Bộ Công thương vừa chính thức khởi động.

Hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời áp mái

Đại diện Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, trong bối cảnh nguồn thủy điện tại các tỉnh miền bắc, miền trung gần như đã khai thác hết, các dự án nhiệt điện chậm tiến độ, hạn hán, thiếu nguồn nước tại nhiều khu vực, việc mở rộng nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo, mà cụ thể là nhân rộng số lượng hệ thống điện mặt trời áp mái là vô cùng cấp bách. Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 18-7, tổng số khách hàng lắp điện mặt trời áp mái là 9.314 khách hàng, với tổng công suất lắp đặt là 198 MWp (sản lượng điện mặt trời). Ngoài các đơn vị điện lực thì có 9.110 khách hàng đã lắp đặt với tổng công suất 186,37 MWp, trong đó có một số lượng đông đảo là các hộ gia đình (7.550 khách hàng). Điều này cho thấy, lắp đặt điện mặt trời áp mái đã thu hút được sự quan tâm của người dân.

Với “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam”, mục tiêu là đến cuối năm 2025 có 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái, tương đương 1.000 MWp sẽ được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc. Về cách thức hỗ trợ, các hộ gia đình lắp đặt sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/kWp (công suất đỉnh của pin năng lượng mặt trời). Theo khảo sát, trung bình mỗi hộ có đủ điều kiện lắp đặt khoảng hai, tối đa là ba kWp, do đó mức hỗ trợ dự kiến cho mỗi hộ khoảng từ 6 - 9 triệu đồng, tương ứng khoảng 15% chi phí lắp đặt, kéo dài từ nay đến năm 2021.

EVN cho biết, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng. Cụ thể, trong năm 2019, tổng nguồn cung năng lượng điện phải có là 52.600 MW (Megawatt). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới đạt 48.800 MW. Đến 2025, nhu cầu về nguồn điện theo quy hoạch phải đạt 89.000 MW, đến 2030 phải đạt mức 110.000 MW. Dự kiến trong năm 2019, công suất phụ tải là 38.447 MW, năm 2025 lên tới 63.400 MW và đến 2030 lên tới khoảng 90.000 MW. “Các con số nêu trên cho thấy chúng ta đang mất cân đối về cung - cầu trong giai đoạn 2019 - 2025, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2023”, đại diện EVN dự báo.

Lợi ích đáng kể khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời là nếu gia đình sử dụng điện vào ban ngày, hệ thống sẽ ưu tiên sử dụng trực tiếp điện được sản sinh ra từ hệ thống. Vì vậy, hộ gia đình sẽ tiết kiệm được số điện phải mua từ lưới điện của EVN. Với việc áp dụng giá điện hộ gia đình đang tính theo mức bậc thang hiện nay, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ giảm mức bậc thang này và giúp hộ gia đình hưởng được giá điện ở mức thấp nhất.