Giảm lượng muối trong bữa ăn

Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, ung thư dạ dày, loãng xương và rất nhiều các vấn đề sức khỏe khác. Trong khi đó, khoảng 70 - 80% lượng muối chúng ta ăn hằng ngày được cho vào trong quá trình chế biến và khi ăn. Vì vậy, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh đưa ra khuyến cáo: 

- Chọn các thực phẩm tươi thay vì các thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt muối, cá hộp, thịt hộp, xúc xích, giò, chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, các đồ ăn vặt…, vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu.

- Với nhóm thực phẩm chế biến sẵn, khi lựa chọn, người tiêu dùng có thể chọn các thực phẩm có hàm lượng muối ít hơn là xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm.

- Ưu tiên các món hấp, luộc thay vì các món cần cho nhiều gia vị mặn vào trong quá trình chế biến như các món kho, rim, rang. 

- Bột ngọt trong thành phần có chứa natri - tương tự thành phần chính của muối ăn. Do đó, nên tránh không nên lạm dụng quá nhiều bột ngọt. 

- Giảm một nửa lượng muối và gia vị chứa nhiều muối khi chế biến món ăn là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nên thực hiện từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác có thể làm quen và thích nghi dần.