Thí điểm vận chuyển bằng xe máy điện

Từ tháng 1-2020, hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện sẽ được triển khai thí điểm tại một số khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tăng việc sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Trong nửa năm cuối 2019, người dân TP Hồ Chí Minh đã phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) thực hiện, ô nhiễm không khí tại đây đến từ ba nguồn, trong đó giao thông chiếm khoảng 50%, hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng... chiếm khoảng 30% còn lại là hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn. Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí. Tính tới ngày 18-8, toàn thành phố có gần 7,89 triệu phương tiện xe cơ giới, trong đó có 734.806 xe ô-tô và gần 7,2 triệu xe gắn máy. Với tốc độ gia tăng “chóng mặt” về số lượng, xe máy đang chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, trong đó, với nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, theo Kế hoạch triển khai các giải pháp trong hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thành phố của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh (GTVT), Sở sẽ phối hợp cùng Công ty TNHH Grab thí điểm hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện tại một số khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, kết nối các dịch vụ vận chuyển hiện tại trên ứng dụng Grab với hệ thống giao thông công cộng hiện có cũng như khai thác vận tải bằng phương tiện sử dụng năng lượng điện. Tại quận 1, Sở sẽ thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng cũng như xe máy điện tự lái cho người dân và du khách, cùng với đó là đẩy nhanh việc đầu tư mới phương tiện xe buýt, ưu tiên chuyển đổi phương tiện sang sử dụng nhiên liệu sạch để thay thế nhiên liệu truyền thống nhằm phù hợp với đặc tính đô thị.

Đại diện Grab Việt Nam cho biết, theo thỏa thuận, Grab sẽ chia sẻ thông tin (các phương tiện ứng dụng phần mềm Grab, hành trình di chuyển của các phương tiện), để Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tạo cơ sở dữ liệu phục vụ việc phân tích, mô phỏng và dự báo tình hình giao thông trên từng tuyến đường. Trước đó, Grab đã đưa vào thử nghiệm dịch vụ đặt vé xe buýt trực tiếp trên ứng dụng dành cho một số khách đi tuyến xe buýt liên tỉnh sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu. Ứng dụng này giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn chuyến xe buýt phù hợp lịch trình cũng như quản lý việc đặt vé trước, theo dõi cả chuyến đi và thanh toán thông qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab/thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế, sau đó lên xe buýt dễ dàng thông qua việc quét mã QR vé.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, song song với việc đẩy nhanh việc đầu tư mới các phương tiện vận chuyển công cộng, trong thời gian tới, Sở sẽ ưu tiên chuyển đổi phương tiện sang sử dụng nhiên liệu sạch, gồm có điện, LPG (khí đốt hóa lỏng), CNG (khí nén thiên nhiên), LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) để thay thế nhiên liệu truyền thống nhằm phù hợp với đặc tính đô thị và điều kiện giao thông trên địa bàn. Dự kiến, trong giai đoạn tới, sẽ đầu tư 109 xe buýt cho chín tuyến mới, chuyển đổi, bổ sung cho các tuyến hiện hữu là 816 xe sử dụng nhiên liệu CNG, dầu Diesel GTTC và triển khai thường xuyên việc kiểm soát khí thải ô-tô, xe máy.