Thay thế sổ hộ khẩu

Sự bất cập của các thủ tục giấy tờ hành chính liên quan sổ hộ khẩu khiến người dân gặp khó khăn khi xin việc, giao dịch thương mại, đăng ký bảo hiểm xã hội, nhập học cho con... Vì vậy, việc thay thế và loại bỏ những nhiêu khê, tiêu cực trong cách quản lý cũ sẽ giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người dân.

Các thủ tục giấy tờ hành chính liên quan sổ hộ khẩu khiến người dân gặp khó khăn khi xin việc.
Các thủ tục giấy tờ hành chính liên quan sổ hộ khẩu khiến người dân gặp khó khăn khi xin việc.

Rắc rối thủ tục

Cho đến tận bây giờ, anh Nguyễn Văn Linh (quê Thạch Thành, Thanh Hóa) vẫn chưa thể quên được hành trình làm “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) quá cam go của mình, mà phần lớn bắt nguồn từ sổ hộ khẩu. “Có tới hàng chục thủ tục hành chính bắt buộc phải có hộ khẩu. Tất cả đều yêu cầu phải có bản sao hoặc sổ hộ khẩu trong hồ sơ để chứng thực”, anh nói.

Ngày trước, vợ chồng anh Linh mua một mảnh đất ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Vì là đất nông nghiệp nên anh phải qua khá nhiều bước để chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xác lập quyền sử dụng, sau đó mới có thể xin giấy phép xây dựng nhà. Thế nhưng, ngay từ bước đầu tiên, anh đã vướng phải vấn đề nan giải, đó là không có hộ khẩu ở thành phố.

Mãi sau này, khi Luật Cư trú có hiệu lực, anh mới được nhập khẩu về Hà Nội. Thế nhưng, ngay cả khi đã cầm cuốn sổ hộ khẩu trên tay, việc đi làm “sổ đỏ” vẫn tiếp tục vướng mắc. Cơ quan chính quyền địa phương liên tục yêu cầu bổ sung rất nhiều thứ giấy tờ khác, hầu hết liên quan vấn đề cư trú. Mất thêm nửa năm chạy đi, chạy lại giữa UBND phường với các cơ quan của quận để chứng thực hàng chục loại giấy tờ khác. Hơn một năm sau, anh mới cầm được “sổ đỏ” trong tay, và tất nhiên là phải nhờ vả “dịch vụ” chứ bản thân anh không thể nào “chạy” được.

Việc không có hộ khẩu ở Hà Nội cũng gây đủ thiệt thòi khi con cái đến tuổi đi học. Gia đình chị Trần Thị Hương (quận Hoàng Mai) do chưa có nhà nên không thể chuyển hộ khẩu vào thành phố, chỉ có thể đăng ký theo diện KT3 (tạm trú dài hạn). Chị kể, năm ngoái đứa con đầu nhập học lớp một nên chị muốn xin cho con vào học trường có chất lượng tốt, gần nơi ở trọ để tiện đưa đón. Tuy nhiên, do trường chỉ nhận học sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn quận nên chị phải xin cho con học ở trường khác cách xa chỗ trọ.

Không chỉ vậy, nhiều thủ tục hành chính khác liên quan hộ khẩu cũng gây rắc rối. Thí dụ như khi mua xe mới, muốn đăng ký thì phải về nơi thường trú, nhiều loại giấy tờ muốn chứng thực, xác nhận đều phải về địa phương. “Những lần như vậy thường phải mất mấy ngày, thậm chí cả tuần mới xong các thủ tục giấy tờ vì phải chờ người thân ra chính quyền xác nhận rồi gửi lên. Người có điều kiện còn đỡ, chứ dân lao động nghèo rất vất vả, có khi mất thời gian và tiền bạc mà chưa chắc đã xong việc”, chị nói.

Bước tiến cần thiết

Hiện tại, vẫn có rất nhiều thủ tục hành chính yêu cầu người dân phải có sổ hộ khẩu để chứng minh địa chỉ thường trú, quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản... mới được thực hiện các thủ tục hành chính công. Thí dụ như các tranh chấp phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình; các thủ tục hành chính liên quan hoạt động hành chính tư pháp, văn hóa xã hội...; các thủ tục liên quan pháp luật về thừa kế; các thủ tục liên quan lĩnh vực tố tụng dân sự, hành chính, hình sự, kinh tế... Đặc biệt là Luật Đất đai 2013, hầu hết các giao dịch dân sự liên quan đất đai vẫn phải sử dụng hộ khẩu.

Nhiều cơ quan hành chính vẫn đang coi sổ hộ khẩu như một điều kiện phải có đối với bất kỳ ai muốn tiến hành thủ tục hành chính nào đó. Chính vì thế, sổ hộ khẩu ngày càng tạo ra sự phức tạp, gây khó dễ cho người dân. Do vậy, việc bãi bỏ chính sách quản lý dân cư bằng hộ khẩu và chứng minh nhân dân (CMND) là rất cần thiết, giúp giảm bớt gánh nặng phiền hà cho người dân.

Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết: Hiện tại, công dân đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, bằng lái xe, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo sổ hộ khẩu, không phải công chứng các loại giấy tờ, mà chỉ mang theo căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cho cơ quan chức năng Nhà nước để thực hiện giao dịch hành chính.

Tại buổi giao lưu trực tuyến về Giải pháp và lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND trong quản lý dân cư, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng bỏ sổ hộ khẩu là bỏ hẳn quản lý bằng hộ khẩu, tuy nhiên, điều này là không đúng bởi thực chất vẫn quản lý sổ hộ khẩu nhưng thay phương thức thủ công bằng công nghệ. Người dân vẫn khai thông tin liên quan và cơ quan quản lý cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Khi thu thập xong cơ sở dữ liệu dân cư, đưa vào ứng dụng rồi thì mới bỏ sổ hộ khẩu giấy. Lúc đó sẽ dùng số định danh cá nhân để thực hiện các giao dịch..., ông cho biết.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư, từng bước tiến tới thay thế sổ hộ khẩu và CMND chính là một bước tiến của sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến tới gần.