“Nụ cười Đà Nẵng”

Những ngày này, TP Đà Nẵng đang là tâm điểm của sự chú ý của nhiều người khi Tuần lễ Cấp cao APEC đang diễn ra. Ngoài công tác chuẩn bị chu đáo với vai trò chủ nhà, đi đâu mọi người cũng nói về “nụ cười Đà Nẵng”.

Không có tình trạng “chặt chém” du khách ở khu chợ Cồn (Đà Nẵng).
Không có tình trạng “chặt chém” du khách ở khu chợ Cồn (Đà Nẵng).

Câu chuyện trong quán ăn

Hỏi vì sao không thấy tấm pa-nô nào nhưng đi đâu người ta cũng nói về nụ cười, cô Phan Thị Hân bán cà-phê chung cư Hoàng Anh, đường Hàm Nghi cho rằng: “Nụ cười Đà Nẵng là nụ cười của dân. Không phải nụ cười diễn xuất trên một bức ảnh”.

Từ Nam Định vào Đà Nẵng kinh doanh hàng ăn uống, anh Lê Văn Bầu cho rằng: “Khó mà thấy được sự cáu bẳn của người ở đây”. Với anh, mười năm sinh sống ở Đà phố dào dạt sóng biển Mỹ Khê, dòng chảy sông Hàn… nó dường khúc xạ một phần vào những con người xa xứ như anh. Anh Bầu cho hay: “Món mì Quảng đi vào phía nam thì được, đi ra phía bắc không mấy thành công nhưng ăn ở đâu cũng không ngon bằng ở đây”. Rồi anh Bầu lý giải vì sao tô mì có thêm trái ớt non, nhằn nhặn, cay cay không thể thiếu trong tô. “Ớt xanh lên đĩa vẫn tươi như tôm trên lưới”, anh Bầu ví von. Nhưng tô mì Quảng chỉ đại diện cho ẩm thực, không thể là nụ cười, anh Bầu phân tích: “Mì Quảng là “bản phối” của quần cư nông nghiệp. Có tôm biển, thịt, trứng, rau, bánh tráng. Để không bỏ sót một cuộc sống nông nghiệp, trái ớt non tham gia vào chuỗi giá trị của tô mì. Qua tô mì Quảng, ta thấy có một sự hiệp lực của cuộc sống, cần và có, hỗ trợ nhau, cùng dựa vào nhau để sống”.

Đà Nẵng, điểm đến của khách du lịch trong nước, quốc tế nhưng để tận thấy “nụ cười Đà Nẵng”, chúng ta có thể thấy qua những con người cụ thể, công việc cụ thể. Trở lại câu chuyện của anh Bầu khi ăn ớt xanh với mì, cắt nghĩa cho chính xác. Chị Phương, chủ quán mì Quảng đường Hải Phòng, quận Hải Châu, cho biết: “Khách đi tàu xuống thường vào quán ăn món mì. Người miền bắc không ăn ớt. Chúng tôi khuyến khích khách ăn kèm. Và rồi sau một hồi đắn đo, khách cũng đã ăn dù rất cay”. Với chị Phương, mời khách ăn được ớt tươi, tức là giúp người dân tiêu thụ được một phần sản phẩm nông nghiệp ở đây và rồi chính những người này sẽ mua ớt về làm quà biếu. Tất cả chỉ là lời mời và nụ cười thân thiện mà ra.

Chuỗi giá trị là… nụ cười

“Gắn những chuỗi giá trị có liên quan tới nhau, đó là phương thức làm du lịch của người Đà Nẵng”, anh Ngô Văn Lượng, một hướng dẫn viên cho biết. Anh Lượng người miền bắc ban đầu vào Đà Nẵng chỉ để công tác rồi yêu mến vùng đất này mà quyết lập nghiệp tại đây. Anh cảm nhận: “Nụ cười Đà Nẵng không thiên về tấm hình tuyên truyền nào mà nó nằm trong cuộc sống của người dân lao động, kinh doanh, dịch vụ”.

Nếu ra bờ biển, gặp một người dân đang vá lưới, kéo lưới, bắt chuyện với họ sẽ được nghe câu chuyện nghề biển bên phố. Những ngày biển động hiếm cá tôm, họ cũng khuyên khách không nên mua vì không tường hải sản sẽ mua phải đồ đông lạnh để lâu, mất ngon. Với người chủ ki-ốt hoa tươi Ngọc Liên ở chợ Hàn, chị lý giải việc bán hoa tươi thì phải cười: “Không cười thì hoa không tươi. Nụ cười của chúng tôi là cười thực tế, cười vui, không cười diễn”.

“Nụ cười Đà Nẵng” không chỉ giới hạn với người Đà Nẵng mà cả với khách du lịch đến đây. “Tôi dẫn đoàn du lịch, khách nam, khách bắc, dù có kéo chiếc va-li, ba-lô lỉnh kỉnh nhưng vào các cửa hàng thì giá vẫn thế”, anh Lượng cho biết. Tiếp xúc đoàn đến, đoàn đi, nhận những phản hồi, anh Lượng cho biết thêm: “Quán giải khát không đề giá, nhưng họ lấy tiền của khách xa cũng như người dân sở tại một giá như nhau”.

Đô thị Đà Nẵng có lịch sử 500 năm. Nhưng trên nhiều tuyến phố ít thấy cây cổ thụ. Điều này khiến cho khách đến đây, cảm giác thành phố mới mẻ trẻ trung. Mật độ nhà cao tầng không nhiều, không cao. Đô thị lại nằm bên bờ biển dài, cửa sông rộng, lưu lượng xe trên đường không đông, giao thông không bị nén nghẽn, tắc như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. “Đà Nẵng nằm giữa Huế và Quảng Nam. Bên cạnh một sự dịu dàng của cố đô, bên cạnh một sự bộc trực của xứ Quảng, người Đà Nẵng cân bằng giữa hai tính cách này, đó là sự thẳng thắng, hay thì khen, dở góp ý, nói chung là rất thật”, anh Lượng nhận xét.

Trong Bảo tàng Đà Nẵng có những bức tranh, bức ảnh ghi lại cảnh sống của cư dân bên bờ sông Hàn, với những căn nhà đóng cọc, quây ván (các bức ảnh này chụp đầu thế kỷ 20). Cũng trong bảo tàng, nhiều cảnh dựng lại làng chài ngày trước cho thấy cơ sở hình thành từ nghề biển, làng biển gắn với địa lý cửa sông, bờ biển. Dấu ấn của cư dân, nghề nghiệp đến nay vẫn còn khá rõ nét, làng nghề nước mắm Nam Ô, làng đan thuyền thúng Thọ Quang dưới chân núi Sơn Trà. Từ những quần cư này, sinh ra những dịch vụ hậu cần đi theo như cung ứng gạo, vải, lưới... Theo đó, một chuỗi giá trị kinh tế cần và có, hỗ trợ cho nhau, bổ sung cho nhau và đô thị Đà Nẵng hình thành như vậy.

Và với những trải nghiệm của tôi ở đô thị này trong hơn hai tuần qua thì chưa có điều gì khiến mình “lăn tăn”. Thực tế, đến Đà Nẵng ai cũng có niềm vui trong lòng.