“Ngư dân” gần bờ

Nếu đi câu như một môn “thể thao” có tính cá nhân thì nghề kéo lưới vây ven các bờ biển Đà Nẵng lại có tính hiệp tác ít nhất của hai người đàn ông, được thì cùng ăn vui, thua xem như đi tập… thể dục.

Kéo lưới vây ở biển Sơn Trà.
Kéo lưới vây ở biển Sơn Trà.

Kiếm mồi nhậu chơi

Buổi chiều, ven các bờ biển Đà Nẵng có những người đàn ông đi xe máy xuống bờ biển, trên xe chở theo bao lưới. Họ không có thuyền nhưng thật sự thuyền đã không còn tác dụng. Họ lội ra biển, khi nước ngập ngang ngực, họ chia làm đôi cầm theo lưới, thả theo bước chân vòng cung vào phía bờ. Khi lên đến bờ thì họ tập trung kéo luôn.

Lưới vây của những người đi kéo này có mầu trắng, chân gắn chì, có phao, dài khoảng 70-100 m. Lưới lạ, chưa thấy có vùng biển nào kéo cá như vậy? Anh Tâm, “ngư dân” đánh bắt gần bờ, giải thích: “Lưới này dùng để thả cho cá mắc vô. Chúng tôi cải biến thành lưới kéo. Lưới vây nó khác, nặng, nhiều người kéo mới được”. Đây là sinh kế hay “cuộc dạo chơi” của những người sống ven biển? Đang chờ chồng từ con thuyền dập dềnh vào bờ, chị Rớ cười: “Mần cái ni, ăn chi, chơi đó mà!”. Mỗi mẻ lưới chừng 15 phút. Người xem kỳ vọng bao nhiêu thì lưới lên lệch hoàn toàn. Một điều nữa phải kể, không có con mắt nhà nghề, khó phát hiện ra cá, mỗi mẻ được năm, sáu con cá nhỏ ngón tay. Một buổi, họ kéo được bảy đến mười mẻ lưới. Chị Rớ bình luận: “Mấy ổng kiếm mồi nhậu. Kinh tế chi”.

“Kéo cái ni không sợ biển động, biển lặng. Chỉ sợ không có hứng thú”- anh Bình, một người kéo lưới cho biết. Đằng sau những người kéo lưới, có nhiều người đứng xem cổ vũ. Với khách du lịch thì đi qua hoặc đứng xa hơn chút ngó nghiêng. Những chiếc thuyền thúng nằm bờ của ngư dân “biến” thành ghế ngồi cho người xem kéo lưới. Họ bình luận hoặc có thể chạy ra nếu mẻ lưới đó có con cá to giẫy giụa. Cũng có thể họ sẽ ra hỗ trợ kéo lưới nếu mẻ đó có vẻ nặng tay. Vòng vây mỗi lúc một khép lại, lưới chỉ còn cách bờ vài ba mét. “Nào, hãy cùng hồi hộp. Một, hai ba... bùm”- một con cá to gần bằng cổ tay đấy. Với một cú phóng, nó đã bay khỏi vòng vây của lưới, thoát chết! Nhiều gương mặt tỏ ra tiếc nuối. Con cá cũng đáng khen. Trong cú nhảy quyết định số phận, nó đã định hướng tốt. Kết quả mẻ lưới đó được hai con cá bằng hai ngón tay, người xem nhiệt tình như tôi cũng lắc đầu. Anh Bình lắc đầu: “Kiếm mồi khó quá!”.

“Rứa mà gọi là... ngư dân”

Ngồi thuyền thúng đựng lưới, tìm chỗ rách để vá, ngư dân Ngô Văn Khiếng, ngụ phường Mân Thái hỏi lại tôi câu hỏi: “Rứa, con đang hỏi mấy đứa vét bờ. Tụi nó có được gọi là ngư dân không?”. Sóng nhún đám thuyền thúng, thuyền nhỏ cách bờ một khoảng, ông Khiếng cười: “Cứ nghĩ đem lưới xuống biển là có cá ăn à? Không mô. Ra khơi sóng gió gãy mặt còn chưa chắc. Mần rứa chỉ trò chơi. Không gọi là ngư dân”.

Buổi sáng, đi phố thị Đặng Nhữ Lâm gần cảng cá Thọ Quang, mùi cá kho thơm phức. Người đi kéo lưới vây chiều và tối qua, nếu đi qua phố này vào buổi sáng hẳn có chút chạnh lòng. Việc kéo lưới này có phải một phần biển khơi của thời cha ông còn “lưu luyến” với họ khi công việc đã chuyển sang một nghề khác. Hay một cuộc “dạo chơi” hên xui. Hoặc họ đang làm cho bờ biển bớt cô quạnh mùa đông?! Ông Khiếng cười: “Đã ra khơi rồi, lăn lộn với sóng rồi, khi đã chuyển nghề, đổi việc có nhớ thì ra đây đứng”.

Để có một bữa bù khú, chém gió khoe sát cá, không biết sau khi xuống biển, có ai qua chợ mua thêm không? Anh Tâm cười: “Mua trước khi xuống biển chớ”. Nhưng anh Tâm đính chính rằng: “Đi câu gọn nhẹ. Đi một mình nấp mô cũng được còn kéo lưới ni cồng kềnh nên phải cần ít nhất hai”.

Giữa công việc kéo lưới nhìn nhận chuyện đi câu kia để bàn tán. Mấy ngày theo họ, nghĩ rằng chợ hải sản sẽ ế vì cách làm chơi, ăn thật này. Nhưng tiếng thở dài của người đi xem nhiều hơn người đi kéo lưới. Nó giống như một trận bóng đá, không có bàn thắng, lưới không rung. Cái xô đựng cá mà những kéo lưới mang theo đa phần, cá chưa khắp đít xô. Chán, chỉ nghe chuyện bàn tán. Một anh gếch đùi trên bờ, nhếch mép cười khi thấy tôi mải theo chụp ảnh. “Cá mô mà coi. Tụi nó đi tập thể dục”.

Trời chớm lạnh, hai mẻ lưới kết quả không có gì đáng bàn, được ba con cá bằng ngón… út. Anh Tâm cùng người bạn đi cùng, ngồi bên đống lưới, hút điếu thuốc cho ấm rồi lại ra khơi. Mẻ lưới thứ ba, kết quả hay hơn, trúng được sáu con. Khi dồn lưới, có một sai sót nhỏ, lưới bị chéo. Anh Tâm cho rằng điềm gở: “Lưới bị ri, mẻ sau thua luôn. Về thôi”. Nhưng người hiệp tác cùng anh Tâm chỉ cười, cho rằng trời lạnh, cóng tay nên mới như vậy.

Họ về, tôi có nên về không? Với ngư dân đi biển bảo họ làm chuyện chơi hay thật khó mà cắt nghĩa được. Bất chợt tôi nảy ra ý định rủ họ qua chợ “kéo” một mẻ, kiếm chậu than rồi ra bờ ngồi. Rủ thêm ai đó nữa và “chém gió” rằng mình cũng vừa lưới xong.