Bình Chuẩn “lên phố”

Mặt tiền phường Bình Chuẩn (thị xã Thuận An, Bình Dương) là phố nhưng phía sau vẫn những lô cao-su xen khu dân cư. Mưa sình, nắng bụi là tình cảnh mà những người dân sinh sống bấy lâu nay phải cam chịu.

Ngã tư trung tâm của phường Bình Chuẩn.
Ngã tư trung tâm của phường Bình Chuẩn.

“Duyên phận”… với phố

Cơn mưa chiều không lớn nhưng cũng đủ làm cho con đường trong các khu dân cư phía sau đường Bình Chuẩn 30 hóa sình. Đất đỏ cùng rác cuộn vào nhau khiến cho ai nấy đều ái ngại. Nước đọng vũng trên đường, lô cao-su cao vút, vài nhà mở karaoke, hát những bản nhạc nỉ non cảnh nghèo, tình vỡ, tình tan. Hát là “đặc sản” của chòm dân cư nơi này. Những bài như “Duyên phận” hầu như người dân ở đây ai cũng thuộc.

“Ngày cuối tuần mà. Hát cho đỡ buồn, mà vậy cho thoải mái”, cô Lê Thị Đào cho hay. Nhà cô Đào cũng là cửa hàng. Khi về quê thì cô nói với mọi người buôn bán đồ điện tử, thực tế không có cái TV, tủ lạnh, nồi cơm điện nào ở cái cửa hàng này. Quầy hàng chỉ là mấy cái đầu đĩa cũ thuộc hàng bãi, hàng thùng ngày trước, nay không ai hỏi đến nên cứ đặt trên kệ cho nó có hàng. Thỉnh thoảng có người đến đặt mua chảo xem TV. Mỗi cái chảo giá 700 nghìn đồng. “Mình tự đi lắp cho khách. Lắp mỗi cái chảo kiếm thêm chút ít. Cũng thỉnh thoảng mới có khách lắp”. Vậy, cô Đào kiếm sống bằng cách, buôn kêu, bán gọi.

Nằm trên đường Bình Chuẩn 24 quanh co, quán cà-phê Huệ Trang giống trạm nằm nghỉ trưa. Võng mắc san sát, nước ngọt đóng chai nhựa. Học hết THCS, Huệ theo gia đình vào đây. Bước vào tuổi 30, Huệ có đứa con trai sáu tuổi và đã ly hôn được hai năm. “Em bán tạm thôi. Ở quê có khi lại có cuộc sống tốt hơn. Ở đây, không ai biết ai, phố chưa thành phố, quê chẳng phải quê”, Huệ nói.

Ngã tư là trung tâm

Thị xã Thuận An “đi lên” từ huyện và được thành lập tính đến nay được sáu năm. Khi đi qua quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), đặt chân đến thị xã Thuận An, tôi hỏi người dân sở tại, đường về ngã tư Bình Chuẩn. Người dân Thuận An vẫn giữ nét mộc mạc, cho biết đường đến đó hơi xa. Nhìn bộ dạng tôi giống như người tìm việc làm, họ lại nói, đường đi lối lại trên đó rất khó khăn, phức tạp. Nếu qua thăm chơi nhà ai thì gọi họ ra ngã tư Bình Chuẩn rước: “Đường ở đó là nẻo vô vườn, vô lô, không rành là dễ lộn”. Tôi khẽ gật đầu. Nói vậy không sai, người quen của tôi cũng nhắn như vậy, đến ngã tư Bình Chuẩn thì gọi điện thoại. Ngã tư là giao cắt của hai con đường DT 746 và DT 743. Bình Chuẩn, một phường xa xôi của thị xã. Người tứ xứ về đây mang theo ký ức quê mình. Các cơ sở sản xuất nằm cạnh các khu nhà trọ.

Nằm dưới lô cao-su, nhà trọ Huỳnh Thị Ý có khoảng 20 phòng, người trọ cũng là công nhân làm trong cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bên cạnh. Giữa chủ nhà trọ và cơ sở sản xuất có những thống nhất với nhau, ngày trả lương cũng là ngày chủ trọ có mặt. Từ Sóc Trăng lên thị xã Thuận An, Bình Dương làm công nhân cho Công ty TNHH Long Hào, vợ chồng Thạch Rơn ở trọ nhà cụm trọ Hà Văn Đích, cho biết: “Có việc làm là có chỗ ở, tiền trọ. Nhà trọ và công ty liên kết. Đến đây chỉ cần đưa chứng minh thư, nhà trọ sẽ tìm việc cho mình. Tạp hóa bán hàng thiếu cho mình. Họ biết ngày mình đi làm, ngày mình nhận lương”.

Tìm một việc làm ở đây có dễ dàng không? Ông Nguyễn Văn Nam mở quán nhậu ở đường Bình Chuẩn 28 khoát tay: “Không thiếu việc làm. Xưởng sản xuất, công ty rất nhiều. Cứ có sức lao động là có tiền”. Nói xong câu này, ông Nam lại hỏi tôi: “Tính làm đâu chưa? Chưa có chỗ thì anh giới thiệu. Ở đây vui mà, người khắp nơi đổ về, nhậu cũng rẻ”. Uống ly bia, tôi cũng chỉ dám dạ khẽ một tiếng, buông lời: “Để em tính”?

Phường Bình Chuẩn có đến 70 con đường đều mang tên đường Bình Chuẩn. Nhiều những con đường vẫn là đường đất đỏ, mưa lầy. Ở đây có các hiệu cầm đồ, quán cơm, quán nhậu cùng với các cửa hàng điện thoại mua đi bán lại. Các cửa hàng điện thoại đều giống nhau, chỉ có một tủ kính mặt tiền. Bình Chuẩn từ xã lên phường chưa lâu, cư dân nhiều nơi đổ về, chuyện to tiếng cãi lộn, chuyện hát karaoke suốt buổi chiều ảnh hưởng đến chung quanh không còn là chuyện hiếm gặp. Bình Chuẩn chưa… đạt chuẩn đô thị là vậy!