Bấp bênh phụ nữ bán hàng rong

Những người phụ nữ bán hàng rong trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều hoàn cảnh khác nhau, hầu hết từ quê lên kiếm sống. Công việc của họ vất vả nhưng chỉ đủ sống và ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Phụ nữ bán hàng rong phải chụi nhiều ảnh hưởng từ điiều kiện làm việc,thời tiết, ô nhiễm môi trường.
Phụ nữ bán hàng rong phải chụi nhiều ảnh hưởng từ điiều kiện làm việc,thời tiết, ô nhiễm môi trường.

Biết làm gì khác!

Trên các con phố Hà Nội có rất nhiều người miệt mài quang gánh hàng rong hoặc đẩy xe đạp đi bán dạo đủ các loại mặt hàng từ đồ ăn nhẹ đã chín tới rau củ quả, trái cây, hàng ví da, túi xách... Phần lớn những người bán hàng rong mà chúng tôi tiếp cận được là những phụ nữ trung niên độ tuổi từ 45 đến 60. Họ rời quê lên thành phố mưu sinh đã nhiều năm. Số tiền kiếm được hằng ngày đủ để tằn tiện nuôi sống bản thân và dành dụm gửi về cho người nhà. Có những người phụ nữ gắn bó với hàng rong 5 năm, 10 năm, 20 năm thậm chí lâu hơn. Việc bán những bó rau 5.000 đồng, bắp ngô luộc 6.000 đồng hay cân cam giá 35.000 đồng… là nguồn thu nhập chính của họ. Nhiều người tâm sự, ngoài công việc này ra, họ không biết mình có thể làm được gì khác.

Bà Bùi Thị Tuyến (61 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên), bán rau rong quanh khu vực quận Hoàn Kiếm đã 18 năm tâm sự: “Chồng tôi ngày trước đi bộ đội bảy năm rồi về làm thợ điện, bây giờ già rồi thì ở nhà trông các cháu, mấy lần bị sốt rét từ trên Cao Bằng, Lạng Sơn tưởng chết, giờ về lại bị bệnh tiểu đường, tim... Cứ phải tiền thuốc liên tục, một tháng hai lần chạy thuốc, không đi bán hàng rong lấy đâu ra tiền. Tôi đi thế này, cứ mấy hôm lại chạy về nhà thăm chồng. Các con lớn cả rồi nhưng cũng không giúp được gì, chúng còn lo làm ăn tích cóp để xây dựng gia đình. Đi bán thế này có được mấy đâu, nhưng ngày này bù vào ngày kia, dù sao vẫn hơn ở quê”.

Bà Đào Thị Phòng (57 tuổi, quê ở Hà Nam), bán hàng hoa quả ở khu vực phố cổ Hà Nội được ngót 20 năm, kể: “Con cái cũng lớn cả nhưng nhà nghèo, chồng ở quê làm ruộng vườn, nên tôi lên đây bán hàng rong kiếm được đồng nào giúp đỡ gia đình hay đồng ấy, chứ đi làm công ty bây giờ tuổi tôi còn ai thuê nữa. Mà bán hàng như thế này mấy năm nữa rồi cũng về quê nghỉ thôi, không làm được nữa”.

Ngoài những người ở quê lên thành phố kiếm ăn cũng có người ở Hà Nội lấy đây là nghề để nuôi gia đình. Bà La Thị Hằng, 50 tuổi, chuyên bán dứa, xoài và một số hoa quả gọt sẵn trên đôi quang gánh tự chế, thường bán quanh khu vực phố Hàng Bông, Hàng Gai, cứ đi dọc theo đường lớn vào ngõ gần nhà. Trước kia bà từng đi làm thuê, rồi đi bán hàng ăn nhưng lâu nay chồng ốm không ai chăm sóc, một mình bà Hằng phải lo liệu hết việc nhà, vì thế bà chỉ có thể bán hàng quanh quanh gần nhà để tiện đi về. “Công việc này không đông khách nhưng vẫn túc tắc đủ ăn, mua rau dưa, sinh hoạt. Đi lại kiếm 100.000 - 200.000 đồng một ngày lấy tiền ăn, uống sinh hoạt”, bà chia sẻ.

Bấp bênh phụ nữ bán hàng rong ảnh 1

Nghề bấp bênh

Không chỉ vất vả, công việc của những người phụ nữ bán hàng rong lâu năm còn bấp bênh. Họ xa quê hương, lên thành phố sống, nhiều người thuê trọ ở những khu vực ngoài đê sông Hồng. Đó là những ngôi nhà cấp bốn, giá rẻ, có không gian đủ để đun nấu, làm hàng bán, ba đến bốn người ở thuê cùng nhau để chia sẻ tiền phòng. Đi bán hàng cả ngày, buổi trưa họ tiện đâu nghỉ đấy, tiện gì ăn nấy, có khi ăn khoai, lúc lại ăn bún, nhưng không bao giờ quá… 10.000 đồng/bữa. Nhiều khi họ lấy chính món hàng của mình để làm bữa trưa, bữa tối họ chung tiền nấu ăn cùng nhau với “nguyên tắc”: làm sao có thể tiết kiệm nhất.

Bà Nguyễn Thị Nụ (54 tuổi, quê ở Hà Nam), bán ngô, khoai, sắn luộc ở khu vực phố cổ cho biết: “Tôi cùng hai người nữa thuê trọ ở gần sông Hồng, đoạn Phúc Xá, phòng không rộng nhưng đủ chỗ đun nấu, tiền thuê phòng chia ra cũng đỡ được chút ít. Chúng tôi tranh thủ tháng ba ngày tám đi làm, đến ngày mùa lại về quê phụ cùng chồng. Gia đình tôi có bốn người nhưng ở quê nói chung toàn phụ nữ đi làm, nam giới ở nhà để làm đồng ruộng, chăn nuôi. Bởi đàn ông không biết làm hàng nên thường các bà vợ sẽ chịu trách nhiệm đi làm xa để nuôi gia đình. Tôi chưa lần nào ăn cơm hàng, chỉ dám ăn ngô, khoai, hôm nào bán mà ế hàng thì tôi ăn luôn hàng ế”.

Đi bán hàng ngày được ngày không, nhiều lúc gặp trời mưa, có khi gặp trời nắng gắt càng thêm vất vả, mệt nhọc. Đôi quang gánh, chiếc xe thồ lại nặng thêm, nhiều khi tủi thân nhớ quê, nhớ nhà, nhớ con cháu nhưng như bà Bùi Thị Tuyến tâm sự: “Thì ai mà chả nhớ, nhưng nghề của mình thì mình chịu, mình đi kiếm tiền mà”. Bà Tuyến cho biết, cứ đi bán cả ngày, khi nào hết hàng mới về, có hôm đến chín, mười giờ tối.

Không chỉ phải dậy sớm từ một, hai giờ sáng đi lấy hàng tại các chợ đầu mối, nhiều người cũng gặp phải những chuyện rắc rối. “Bán hàng rong nay chỗ này, mai chỗ nọ, lắm khi cũng bị cán bộ phường xử lý. Có phường người ta cho xin sau khi nộp phạt, có nơi người ta để hỏng hết không trả lại. Có hôm mãi tới tối tôi mới xin được thì lúc đấy cũng muộn rồi, khoai, ngô… đã luộc thiu hết, đành đổ đi chứ làm thế nào được, bà Nụ kể. Còn chị Lưu Thị Thúy (46 tuổi, quê ở Nam Định), bán hoa dọc đường Nguyễn Trãi giãi bày: “Nhỡ mà bị phạt, mỗi lần mất 150.000 đến 180.000 đồng, coi như mất hai ngày bán hàng. Chúng tôi cũng mong muốn có một công việc khác ở quê lắm chứ, không phải đi rong ruổi trên thành phố xa chồng, xa con cháu. Có nhiều lần, tôi định về quê ở hẳn nhưng vẫn thiếu đồng ra đồng vào cho các cháu ăn học. Bởi nghề nông thì làm những ngày mùa, còn những tháng ngày rảnh rỗi lại ngồi chơi không”.

Về quê làm ruộng liệu có đủ ăn, chưa nói đến nhiều nơi người dân đã không còn ruộng hoặc thiếu ruộng để sản xuất. Trong quá trình phát triển, đô thị phải gánh chịu nhiều sức ép. Những người phụ nữ gồng gánh hàng rong cũng là một bộ phận cấu thành nên đời sống xã hội trong không gian này. Và họ, cũng không tránh khỏi những tác động nhiều mặt từ các chính sách, cơ chế, nhịp sống, khí hậu, môi trường… Xây dựng những cơ chế hỗ trợ, giúp họ ổn định hơn đời sống trong quãng thời gian mưu sinh là một việc cần thiết.