Thời của trang phục may sẵn

Dịch Covid-19 khiến việc mua sắm trực tuyến được nhiều người lựa chọn. Trong lĩnh vực thời trang, giới hạn của việc giãn cách xã hội đã khiến khái niệm mua bán đồ “ready to wear” (quần áo đại trà may sẵn) ngày càng phổ biến. Điểm chung của các trang phục này là không kén cỡ, hầu hết mọi người đều mặc vừa, được sản xuất bằng máy móc thay vì may đo thủ công, có giá thành hợp lý và phù hợp xu hướng thời trang đương đại.

Thời của trang phục may sẵn

Theo tạp chí Harper’s Bazzar, trước khi có dịch bệnh, với những người bận rộn thì hàng may sẵn lại càng cần thiết, đó là lý do trang phục may sẵn ngày càng có vị thế so “haute couture” (hàng may đo riêng). Theo các tiêu chuẩn của thời trang Pháp, trang phục hàng may đo riêng hầu hết được may thủ công. Đó thường là những bộ quần áo được các ngôi sao, người có địa vị chưng diện trên thảm đỏ, sàn diễn thời trang hay các bữa tiệc thượng lưu; còn trang phục may sẵn là phục trang hằng ngày, khá dễ mặc, giá cũng dễ chịu. Nếu như hàng may đo riêng chỉ có một cỡ phù hợp dáng người, thì trang phục may sẵn lại có nhiều cỡ khác nhau, từ XXS (cỡ nhỏ nhất) cho tới 5XL (cỡ lớn nhất).

Kể từ khi xuất hiện, trang phục may sẵn đã tạo ra nhiều cú huých trong lịch sử khiến những nhân vật gây ảnh hưởng đến công chúng cũng thích mặc những trang phục may sẵn. Điều này kéo theo hàng loạt người hâm mộ săn lùng các trang phục để được diện chung đồ với thần tượng. Sau các cuộc suy thoái kinh tế cũng như khủng hoảng vì dịch bệnh, ngành công nghiệp thời trang đã sớm nhận ra ngày càng có nhiều nhóm khách thích những thiết kế độc nhất mang hơi hướng hàng may đo riêng, nhưng lại có giá tiền của trang phục may sẵn. Chính vì vậy, xuất hiện nhiều thương hiệu chú trọng vào việc sản xuất dòng thời trang đại trà này. Các nhãn hàng đã nhanh chóng tạo ra những dòng thời trang “khuếch tán”, trung hòa sự hào nhoáng, sang chảnh của trang phục hàng may đo riêng với mức giá có thể chấp nhận được của hàng trang phục may sẵn. Như vậy, khách hàng sẽ được mặc đồ “hao hao” xa xỉ còn nhãn hàng tiếp cận được gần hơn với hầu bao của khách. Bởi, nói như ông chủ của thương hiệu Zara, một nhãn hàng thời trang có giá “bình dân” được nhiều người ưa thích, thì “suy cho cùng, ngoài Lady Gaga và những người ở vị trí giống cô ấy, đâu phải ai cũng dư dả thời gian và tiền bạc để bay đến Paris may đồ?”.