Ngày buồn của Forever 21

Không còn là những tin đồn, chuỗi bán lẻ thời trang Forever 21 đã chính thức đệ đơn xin phá sản tại Mỹ. Trong thư gửi các thành viên, thương hiệu fast-fashion (thời trang “ăn liền”) này hy vọng việc đóng cửa một số cửa hàng sẽ giúp giảm chi phí hoạt động, để Forever 21 tập trung vào những thị trường có doanh thu tốt hơn.

Ngày buồn của Forever 21

Forever 21 cũng cố gắng thuyết phục khách hàng rằng việc nộp đơn xin phá sản không phải là đình trệ kinh doanh, mà chỉ là một cách để giữ vững vị trí trong thương trường. Được biết, chuỗi bán lẻ sẽ rút ra khỏi 40 quốc gia bao gồm thị trường châu Á và châu Âu. Đóng cửa 350 cửa hàng toàn cầu, trong đó có 178 cửa hàng riêng tại Mỹ. Tuy nhiên, Forever 21 cho biết sẽ tiếp tục kinh doanh tại thị trường Mexico và Mỹ latin. “Chúng tôi không mong muốn phải rời khỏi bất kỳ thị trường lớn nào”, hãng đã viết trong thư gửi tới các thành viên.

Giới phê bình thời trang cho biết, Forever 21 không còn hấp dẫn giới mua sắm trẻ mặc dù luôn chú trọng lĩnh vực fast-fashion. Những năm qua, xu hướng thời trang “ăn liền” đã tranh thủ kiếm tiền nhờ đánh vào tâm lý của những người thích diện những món đồ mốt nhất giống trên sàn diễn, nhưng không muốn tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, xu hướng này không còn được ưa thích bởi thế hệ 9X hay 10X vốn được sinh ra trong đủ đầy. Ngoài lý do chung, thống kê cho thấy sức mua tại các cửa hàng Forever 21 không thu hút bằng những thương hiệu fast-fashion khác như Zara, H&M vì cách trưng bày không ấn tượng. Về mua sắm trực tuyến và giao nhận, Forever 21 không cạnh tranh được với Amazon, nhất là khi “ông lớn” này liên tục đầu tư vào mảng thời trang giá rẻ trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Forever 21 cũng tạo ra “thói quen xấu” khi liên tục giảm giá, để rồi khách hàng chỉ chờ “săn” hàng giá rẻ, dẫn đến việc giảm lợi nhuận.

Mức nợ cao và chi phí thuê cửa hàng từ lâu đã là gánh nặng không chỉ của Forever 21 nói riêng mà của các thương hiệu thời trang bán lẻ nói chung, nên việc đóng cửa hay phá sản là điều khó tránh khỏi. Forever 21 chưa mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam nhưng nhiều người dùng Việt cũng đã quen thuộc với thương hiệu này, bên cạnh các tên tuổi khác như H&M, Zara hay Mango. Mặc dù đóng cửa các cửa hàng tại một số quốc gia nhưng hiện các trang web của Forever 21, các hoạt động giao dịch trực tuyến vẫn diễn ra bình thường.