“Đất sống” cho các thương hiệu xa xỉ

Không đơn thuần chỉ là nguồn cảm hứng trong các sáng tạo xuất thần của John Galliano hay Alexander McQueen ở các bộ sưu tập (BST) Haute Couture vài năm về trước mà trong BST Thu - Đông của mới nhất của Gucci, Fendi, Prada hay Dries Van Noten, giới mộ điệu đã thấy thấp thoáng các chi tiết gần gũi của văn hóa phương Đông. Liệu có phải là một động thái mang tính chiến lược khi các nhãn hàng đang cố chiều lòng một thị trường mới của ngành bán lẻ: châu Á?

“Đất sống” cho các thương hiệu xa xỉ

Những nét đặc trưng của thời trang châu Á, đặc biệt là dấu ấn Nhật Bản như hoa đào, tua rua, tay và kiểu áo kimono trên các chất liệu lụa và satin xuất hiện ngày càng nhiều trong các BST của những thương hiệu từ cao cấp đến bình dân. Theo Euromonitor, hiện thời trang cao cấp đang chật vật tại quê nhà của mình. Sau khủng hoảng kinh tế, sức mua tại châu Âu và Bắc Mỹ giảm mạnh. Dù đang có một vài tín hiệu phục hồi, ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế vẫn là mối e ngại của một nhóm người tiêu dùng giàu có trong việc đưa ra chính sách thắt chặt hầu bao.

Khi những thị trường truyền thống không đam mê với đồ xa xỉ, để bảo đảm doanh thu, các thương hiệu phải đi tìm những thị trường mới. Châu Á chính là điểm đến mới của các thương hiệu cao cấp, thậm chí còn giúp vực dậy một số thương hiệu tưởng chừng nằm trên bờ phá sản.

Thống kê cho thấy Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và mới đây là Ấn Độ là những thị trường chịu chi tiền nhiều nhất cho các mặt hàng xa xỉ. Nếu có dịp ghé thăm Paris, London hay Milan, xếp hàng ở các quầy thu ngân của Chanel, Louis Vuitton, Hermès hay Dior phần lớn là khách hàng châu Á. Có hãng thậm chí thuê hẳn một nửa đội ngũ nhân viên là người biết nói tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Hàn Quốc để bán hàng.

Nói như cây bút Cathy Horyn trên tờ The New York Times thì “sự phất lên nhanh chóng của giới nhà giàu mới nổi châu Á khiến các thương hiệu “khó tính” của lục địa già cũng phải dẹp kiêu hãnh mà nhập vào cuộc đua mới”. Những đám đông nhộn nhịp trong khu hoàn thuế tại các trung tâm mua sắm cao cấp hay tại sân bay phần đông là người châu Á, trong đó nhiều nhất là người Trung Quốc. Khác với người tiêu dùng châu Âu, người Trung Quốc không hề quan tâm đến lịch sử, nguồn gốc của các thương hiệu mà họ đi theo trào lưu. Báo cáo thường niên của tập đoàn Louis Vuitton Moët Hennessy cho thấy doanh thu tại châu Á luôn chiếm khoảng 40%, dự báo dẫn đầu tăng trưởng giữa các thị trường quan trọng đến hết năm 2019.

Một thị trường tiềm năng

- Làn sóng mời các ngôi sao châu Á tham gia các sự kiện giới thiệu BST mới hay làm đại sứ thương hiệu có thể kể đến như Takeshi Kaneshiro (Emporio Armani), Châu Nhuận Phát (Boss Selection của Hugo Boss), Châu Tấn (Chanel), Phạm Băng Băng (Louis Vuitton) hay Lý Băng Băng (Gucci) đã phần nào “phổ cập” thông tin cũng như hình ảnh của các thương hiệu đến người tiêu dùng châu Á. Không những thế, để gia tăng sức mua và tăng nhận diện thương hiệu, một số hãng còn đưa ra những ưu tiên đặc biệt như Chanel giảm chênh lệch giá bán của các dòng túi xách giữa Pháp và châu Á hoặc các dòng sản phẩm sản xuất riêng cho thị trường này như túi Palazzo của Versace, phiên bản túi Dionysus đặc biệt đỏ thêu hoa chỉ vàng của Gucci, hoa thủy tiên 3D trong bộ sưu tập phụ kiện mini của Loewe...

- Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải và Hồng Công (Trung Quốc) đã hình thành những khu mua sắm xa hoa cho giới nhà giàu. “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất cho ngành công nghiệp hàng xa xỉ”, Patrizio Bertelli, Giám đốc điều hành của Prada, từng phát biểu tại buổi lễ niêm yết của công ty tại Hồng Công (Trung Quốc).