Trồng lại rừng bằng máy bay không người lái

DroneSeed, một công ty công nghệ hàng không của Mỹ đã cho ra mắt những chiếc máy bay không người lái để trồng lại cây tại những nơi chịu thiệt hại do cháy rừng.

Máy bay không người lái gieo hạt giống của DroneSeed. Ảnh: CNN
Máy bay không người lái gieo hạt giống của DroneSeed. Ảnh: CNN

Trong năm nay, Mỹ đã trải qua mùa cháy rừng tàn khốc nhất từng được ghi nhận, với hàng triệu ha rừng bị thiêu rụi trên khắp cả nước. Việc tái tạo những khu rừng này thường tốn nhiều năm, cùng sự tham gia của hàng nghìn người để trồng thủ công những cây non trong các vườn ươm chuyên dụng.

Nhận thấy sự bất tiện, DroneSeed - một công ty ở Seattle, đã đưa ra giải pháp nhanh và hiệu quả hơn khi đề xuất sử dụng các đội máy bay không người lái để gieo hạt ở những khu vực rừng đã bị thiêu trụi. Ông Grant Canary, Giám đốc điều hành của DroneSeed cho biết, máy bay không người lái với chiều dài gần 2,5m có thể mang tới 26 kg hạt giống, mỗi chiếc có khả năng gieo hạt 50 ha đất mỗi ngày. 

Dựa trên các thử nghiệm ở New Zealand và bang Washington (Mỹ), công ty cũng được kỳ vọng có thể phát triển khoảng 140 cây trên mỗi ha đất. Tới đầu năm nay, DroneSeed đã nhận được giấy phép hoạt động và miễn trừ về thuế của giới chức Mỹ để đưa vào sử dụng các đội máy bay không người lái. Công ty đã bắt tay phục hồi các khu rừng chịu ảnh hưởng của đám cháy ở bang California và Oregon, chưa kể các khu vực khác dọc theo bờ biển phía tây nước Mỹ. 

Dù trồng lại rừng từ trên không không phải là một cách tiếp cận mới, nhưng các chuyên gia cho rằng phương pháp sử dụng máy bay không người lái tiết kiệm và dễ dàng hơn nhiều so phương pháp trồng cây truyền thống trong các vườn ươm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định rằng, để đạt được hiệu quả của phương pháp trồng cây thủ công, công ty vẫn đang rất chú trọng trong việc chọn đúng loại hạt giống và tìm ra nơi phù hợp để gieo hạt.

Hiện nay, khi biến đổi khí hậu đang khiến cho tình trạng cháy rừng trở nên ngày một nghiêm trọng, ông Canary hy vọng công nghệ của DroneSeed sẽ giúp công cuộc tái tạo rừng trở nên dễ dàng hơn, từ đó góp phần vào việc bảo vệ, gìn giữ môi trường sống.