Trợ lý ảo “made in Vietnam”

Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn mở ra một cuộc cách mạng mới về hình thức tương tác với các thiết bị công nghệ. Không bấm, không vuốt, người dùng tương lai có thể sẽ chuyển sang nói. Vì vậy, trợ lý ảo được nhận định sẽ sớm trở thành phương thức giao tiếp giữa con người và AI trong tương lai không xa.

Trợ lý ảo “made in Vietnam”

Từ năm 2017, AI bắt đầu được người dùng chú ý nhờ các ứng dụng thực tiễn, đặc biệt là sự đầu tư mạnh tay từ các tập đoàn lớn như Siri (Apple), Google Assisant (Google), Alexa (Amazon) hay Cortana (Microsoft). Thế giới đang bước vào kỷ nguyên AI và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mới đây, tại sự kiện Zalo AI Summit diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Ki-Ki, trợ lý ảo đầu tiên của người Việt do Zalo thuộc VNG phát triển đã cho thấy những tín hiệu lạc quan của ngành AI Việt Nam.

Theo chuyên gia công nghệ Vương Quang Khải, đại diện Zalo chia sẻ thì AI là một lĩnh vực mới tại Việt Nam. “Trợ lý ảo hiện là trọng tâm của làn sóng AI trên toàn thế giới, trong đó Nhật Bản được xem là nước phát triển mạnh nhất về công nghệ AI. Tại Việt Nam, làn sóng AI chỉ mới bắt đầu hai năm trở lại đây, nhưng trợ lý ảo Ki-Ki do chính các kỹ sư người Việt đến từ Zalo phát triển dựa trên công nghệ AI lại là lần đầu”.

Theo ông Khải, hiện sản phẩm này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Mục tiêu của Zalo là tạo ra một trợ lý ảo sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, dành cho người Việt. Do đó, đây mới chỉ là những tính năng tương đối đơn giản ban đầu của Ki-Ki. Theo đó, lợi thế lớn nhất của trợ lý ảo Ki-Ki do VNG phát triển là khả năng nghe và hiểu được tiếng Việt, điều khiến các trợ lý ảo của quốc tế không thật sự phổ biến ở Việt Nam. Hiện trợ lý ảo Ki-Ki có thể thực hiện các tác vụ quen thuộc như mở nhạc, đọc tin, gửi tin nhắn, tra cứu thời tiết, tra cứu kiến thức thông qua ra lệnh bằng giọng nói tiếng Việt mà không cần thao tác chạm, gõ với điện thoại. Đặc biệt, Ki-Ki còn có khả năng hiểu được giọng nói của ba miền bắc, trung, nam.

Đại diện Zalo cho biết, giống các mô hình trợ lý ảo khác, kế hoạch sắp tới của Ki-Ki là tích hợp lên các thiết bị phần cứng như loa thông minh, phát triển thành công cụ tìm kiếm bằng giọng nói và tích hợp vào sản phẩm công nghệ hiện nay của Zalo như Zing MP3, Zalo, Baomoi phục vụ người dùng. Xa hơn nữa, trợ lý ảo Ki-Ki sẽ không chỉ dừng lại trên smartphone. Trong giai đoạn bùng nổ thiết bị IoT (internet vạn vật) như hiện nay, bất cứ thiết bị công nghệ kết nối internet nào cũng cần có trợ lý ảo, một trong số đó là loa thông minh.

Các chuyên gia công nghệ dự đoán, sắp tới Zalo sẽ tiến hành tích hợp với các nhà sản xuất thiết bị gia dụng ở Việt Nam như Sony, Samsung, LG… Thậm chí, Ki-Ki sẽ tìm cách để tích hợp trên ô-tô. Theo đó, với 100 triệu người đang sử dụng Zalo, hơn một nửa số đó ở Việt Nam thì hiện Ki-Ki có lợi thế để đàm phán với các đối tác này. Tuy nhiên, để có thể đưa vào giai đoạn hoàn thiện và triển khai các mô hình kinh doanh trên, Ki-Ki sẽ cần có một khoảng thời gian khá dài. Trước mắt, sự xuất hiện Ki-Ki cho thấy quyết tâm của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan” trong lĩnh vực AI của Việt Nam.