Thử nghiệm nhiên liệu sinh học trong vận tải

Các loại tàu thủy và máy bay sau khi đốt cháy nhiên liệu sẽ thải ra môi trường một lượng rất lớn khí thải độc hại. Trước thực tế đó, các nhà khoa học của Chương trình nhiên liệu sinh học quốc tế (GoodShipping) đã nghiên cứu nhiên liệu sinh học với hy vọng thay thế nhiên liệu hóa thạch trong ngành vận tải biển và hàng không.

Các nhà khoa học trong dự án GoodShipping chạy thử thành công tàu container bằng dầu thực vật. Ảnh: BBC
Các nhà khoa học trong dự án GoodShipping chạy thử thành công tàu container bằng dầu thực vật. Ảnh: BBC

Chất sulphur dioxide sinh ra sau khi nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy rất có hại cho con người, thậm chí có thể gây ra mưa acid phá hoại môi trường. Hiện tại, ngành công nghiệp vận tải hàng không và đường thủy là hai nguồn ô nhiễm gây ra 3% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Tháng 9 vừa qua, GoodShipping đã đưa ra thông báo về việc thử nghiệm thành công nhiên liệu thay thế cho một tàu container cỡ nhỏ. Lượng nhiên liệu được sử dụng là khoảng 22.000 lít dầu diesel mới có tên gọi HVO. Nguyên liệu để làm HVO vốn là dầu ăn thực vật đã qua sử dụng, sau đó được chuyển hóa thành dầu diesel. Khi bị đốt cháy, nó sẽ tạo ra ít khí CO2 và chất thải độc hại hơn. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, một đại diện của GoodShipping cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được thêm nhiều công ty lớn tham gia danh sách sử dụng nhiên liệu này”.

Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cho biết, ứng dụng sử dụng nhiên liệu sinh học có thể là cách tốt nhất để giúp ngành công nghiệp vận tải giảm lượng khí thải thấp hơn từ giờ cho tới năm 2030. Tuy nhiên, các tác giả bản báo cáo cũng đề cập những khó khăn, thách thức đối với phương pháp này. Đó là tính bền vững, nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định, cùng với chi phí vận hành. Các loại tàu biển lớn nhất thế giới sẽ không thể vận hành động cơ với nhiên liệu sinh học làm từ thực vật hoặc chất thải động vật cho đến khi tìm được nguồn cung cấp ổn định, bảo đảm số lượng lớn kèm theo chi phí vận hành hợp lý.