Nuôi cấy thành công bộ phận nhân tạo

Theo CNN, việc nuôi cấy thành công bộ phận cơ thể nhân tạo từ máy in 3D chuyên dụng của các bác sĩ tại Viện Y học tái tạo Wake Forest (Mỹ) đã đem lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân. Thành tựu này có ý nghĩa to lớn, đặc biệt trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng, điều trị ung thư và phát triển kháng sinh.

Bác sĩ Atala trong phòng thí nghiệm nuôi cấy bộ phận. Ảnh: The Business Journals
Bác sĩ Atala trong phòng thí nghiệm nuôi cấy bộ phận. Ảnh: The Business Journals

Luke Massella, 27 tuổi là một trong khoảng 10 người may mắn bình phục sau ca phẫu thuật thay thế bàng quang, một bộ phận được nuôi cấy từ chính các tế bào của anh. Từ khi sinh ra, Luke đã mắc căn bệnh nứt đốt sống, khiến anh trải qua 17 ca phẫu thuật sau khi lên 10 tuổi. Nhiều bác sĩ cho rằng khó có thể hy vọng Luke khỏi bệnh và đi lại được. Trầm trọng hơn, sau đó Luke còn bị hỏng một bàng quang khiến thận của anh hoạt động yếu dần.

“Tôi đã đối mặt khả năng mình phải lọc máu bằng máy trong suốt quãng đời còn lại. Tôi sẽ không thể chơi thể thao và có cuộc sống bình thường như anh trai tôi”, Luke chia sẻ. Không từ bỏ hy vọng, bác sĩ Anthony Atala, Giám đốc Viện Y học tái tạo Wake Forest, và Chủ tịch Khoa Tiết niệu tại Trường Y học Wake Forest ở bang Bắc Carolina (Mỹ) đã lấy một mô nhỏ trong bàng quang của Luke để nuôi cấy bằng máy in 3D chuyên dụng. Trải qua hơn hai tháng, bác sĩ Atala đã phát triển thành công bàng quang mới trong phòng thí nghiệm.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 14 giờ tại Bệnh viện Nhi Boston, bác sĩ Atala đã thay thế thành công bàng quang bị khiếm khuyết của Luke bằng một bộ phận mới. “Bàng quang này làm từ các tế bào của chính mình, vì vậy tôi không phải lo lắng về quá trình tự đào thải”, Luke nói. Tự đào thải là cơ chế tự vệ của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, tiến công các tế bào cấy ghép đến từ một cá thể khác. Tuy nhiên, nếu sử dụng mô được nuôi cấy từ tế bào của chính bệnh nhân sẽ tránh được quá trình này. Hiện nay Luke đã hoàn toàn bình phục và trở thành một huấn luyện viên đấu vật.

“Tế bào cấu trúc phẳng như da là bộ phận dễ nuôi cấy nhất. Đối với cấu trúc hình ống rỗng như mạch máu, niệu đạo và bàng quang, quá trình nuôi cấy sẽ phức tạp hơn. Các cơ quan như tim, phổi và thận là khó nuôi cấy nhất vì có rất nhiều tế bào trên mỗi cm”, bác sĩ Atala cho biết.