Làm đường bằng rác thải nhựa

Một công ty khởi nghiệp ở Singapore đang hy vọng tạo ra những con đường làm từ rác thải nhựa (trong ảnh) nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng trên thế giới.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất, khi việc sản xuất và tiêu thụ nhựa đang vượt xa khả năng kiểm soát. Rác thải nhựa gây ô nhiễm đất và đại dương, làm tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng thêm. Theo số liệu của Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA), năm 2019, Singapore ước tính thải ra khoảng 930.000 tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ có 37.000 tấn (tương đương 4%) được tái chế. Vì vậy, Magorium - một công ty khởi nghiệp nước này đã phát triển công nghệ sử dụng rác thải nhựa để làm đường. 

Theo Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Magorium, bà Oh Chu Xian, công nghệ làm đường từ rác thải nhựa đã được nghiên cứu và phát triển trong gần bốn năm. Ý tưởng này bắt đầu sau thời gian ông làm việc tại một công ty xây dựng đường bộ chuyên nghiên cứu về vật liệu xây dựng thân thiện môi trường. Công nghệ của công ty phân hủy chất thải nhựa thành ba dạng gồm bột, mảnh hoặc viên trước khi trộn vào bitum (chất được dùng phổ biến trong công nghệ chống thấm). Hỗn hợp này sau đó được đổ lên đá và sỏi để tạo ra nhựa đường.

Bà Oh cho biết, nguyên liệu được lấy từ bao nylon gói đồ, túi mua sắm, chai nước giải khát hay hộp đựng thực phẩm. Tuy nhiên, công ty cam kết tránh xa các loại nhựa có khả năng thải ra các hóa chất độc hại. Với ý tưởng độc đáo trên, Magorium đã giành được ít nhất ba giải thưởng từ các cuộc thi khởi nghiệp trong nước và khu vực trong năm nay. Bà Oh hy vọng công nghệ của Magorium sẽ góp phần tạo một môi trường xanh hơn ở Singapore trong thời gian tới.