Con đường thân thiện môi trường

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học New South Wales (Australia) đang thử nghiệm xây dựng “con đường xanh” đầu tiên trên thế giới tại thành phố Sydney. Đây là tuyến đường khá nhộn nhịp dẫn tới Sân bay quốc tế Sydney.

Con đường thân thiện môi trường

Theo Reuters, để tạo nên con đường đặc biệt này, các nhà khoa học sử dụng chất liệu là chất thải công nghiệp từ ngành sản xuất thép và các nhà máy nhiệt điện than. Cụ thể, họ sử dụng “tro bay”, một loại khoáng hoạt tính dùng làm phụ gia cho chế tạo bê-tông cường lực, và xỉ lấy từ lò luyện kim. Hỗn hợp vật liệu này là sự pha trộn bền vững giữa bê-tông và chất thải tái chế, có triển vọng giúp giảm lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Một đoạn đường dài 30 m đang được thử nghiệm công nghệ này. Các nhà khoa học đã lắp chín cảm biến dưới bề mặt đoạn đường để đánh giá hiệu suất của dự án.

Thị trưởng Sydney, ông Clover Moore cho biết: “Việc thử nghiệm có thể tạo ra các sản phẩm mới, mang lại những kết quả rõ rệt trong việc cắt giảm lượng khí CO2. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý đường bộ tại khu vực, vì thế nếu sử dụng các vật liệu bền vững hơn với môi trường, chúng ta có thể chống lại tình trạng biến đổi khí hậu và cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng cho cộng đồng”.

GS Stephen Foster, Trưởng khoa Kỹ thuật Xây dựng & Môi trường của Đại học New South Wales, đồng thời là Chủ nhiệm dự án xây dựng “con đường xanh” cho biết: “Việc sản xuất bê-tông thải ra khoảng 7% tổng số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do đó cuộc thử nghiệm này sẽ giúp thúc đẩy sự thay đổi trong ngành công nghiệp xây dựng. Nghiên cứu về việc sử dụng chất thải công nghiệp tái chế đã được thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng chỉ đến nay nó mới bắt đầu được thương mại hóa”.

Theo ông Foster, quá trình theo dõi hiệu suất của “con đường xanh” sẽ được thực hiện trong tối đa 5 năm. Nhiều dữ liệu được thu thập trong thời gian 3 - 12 tháng đầu của cuộc thử nghiệm sẽ được sử dụng để xác nhận các mô hình nghiên cứu và củng cố luận cứ của các nhà khoa học.