Cảm biến phát hiện chì trong nước

Dù mới 11 tuổi, nhưng cô bé Gitanjali Rao đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Thách thức nhà khoa học trẻ” (YSC) năm 2017 do kênh khoa học Discovery Education và Công ty công nghệ 3M (Mỹ) tổ chức. Cô bé Rao đã chế tạo một thiết bị cảm biến mang tên Tethys có thể phát hiện ra chì trong nước nhanh hơn các thiết bị hiện đại khác.

Cô bé Gitanjali Rao và thiết bị cảm biến Tethys. Ảnh: FAST COMPANY
Cô bé Gitanjali Rao và thiết bị cảm biến Tethys. Ảnh: FAST COMPANY

Một cuộc điều tra tại Mỹ mới đây cho thấy, có tới gần 2.000 cộng đồng đang sử dụng nước có mức độ chì không an toàn. Nguồn nước cung cấp cho một trường tiểu học ở bang Maine được phát hiện có mức độ nhiễm chì cao gấp 42 lần so giới hạn an toàn.

“Em phát hiện ra nguồn nước ở vùng Flint, bang Michigan không phải là nơi duy nhất bị nhiễm chì. Nhiều nơi khác cũng gặp phải vấn đề ô nhiễm”, cô bé Gitanjali Rao cho biết. Không giống hầu hết bạn bè cùng lứa, Gitanjali Rao thích dành thời gian tìm hiểu trang web khoa học của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Đây là nơi Rao tìm ra cách chế tạo thiết bị cảm biến phát hiện chì trong nước của mình.

Cảm biến Tethys có cấu tạo gồm các ống carbon siêu nhỏ kết nối một bộ vi xử lý Arduino mà cô bé Rao dễ dàng tìm thấy trong linh kiện máy tính. Tethys còn được trang bị kết nối không dây bluetooth để gửi kết quả tới smartphone. Gần như ngay sau khi được nhúng xuống nước, thiết bị sẽ gửi kết quả tới điện thoại thông minh, hiển thị cho người dùng biết nước có an toàn hay kém chất lượng.

Cô bé Rao cho biết thêm, phần nhúng vào nước của cảm biến Tethys sẽ phải thay mới, phần còn lại có thể tái sử dụng được. Bộ cảm biến này có giá chỉ khoảng 20 USD, hoặc ít hơn nếu được sản xuất hàng loạt. Hiện tại, Rao vẫn tiếp tục làm việc với đội ngũ cố vấn ở Công ty công nghệ 3M với hy vọng sẽ đưa Tethys vào ứng dụng rộng rãi.