Việt Nam là điểm sáng phòng, chống dịch Covid-19

Đại dịch viêm phổi cấp Covid-19 đã lan ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều triển khai các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, ngừng các hoạt động xuất, nhập và quá cảnh... khiến công tác bảo hộ công dân của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng, Việt Nam vẫn thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, đưa về nước an toàn và thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Ảnh: ANH QUÂN
Công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Ảnh: ANH QUÂN

Hàng nghìn công dân được bảo hộ về nước an toàn

Theo số liệu thống kê, hiện cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài có hơn 4,5 triệu người. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho tới khi lan rộng ra toàn cầu, hàng chục nghìn công dân Việt Nam trở về nước an toàn. Tuy nhiên vẫn còn hàng trăm nghìn công dân bị “kẹt” lại do các quốc gia, vùng lãnh thổ thay đổi quy định về xuất, nhập và quá cảnh, các hãng hàng không thay đổi lịch trình bay. Trong số đó, nhiều công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em dưới 18 tuổi, người ốm đau, người cao tuổi, du học sinh không có nơi cư trú do nhiều ký túc xá đóng cửa, người đi khám, chữa bệnh, du lịch, làm việc ngắn hạn không thể về nước dù thị thực lưu trú đã hết hạn, người bị “mắc kẹt” tại các sân bay quốc tế do không thể nối chuyến về Việt Nam…

Ba ngày sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, ngày 25-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, nhanh chóng đưa ra những chỉ đạo kịp thời tới các cơ quan, bộ, ngành để chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân tại các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã liên tục có những chỉ đạo giao Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định số lượng công dân ở các khu vực có dịch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết; động viên, khuyến cáo công dân ở lại đối với những quốc gia đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của sở tại; yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước; đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp năng lực cách ly tập trung trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể, chặt chẽ.

Tại các cuộc trao đổi ý kiến với lãnh đạo các nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Việt Nam đều đề nghị nước bạn phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại yên tâm ổn định cuộc sống, được tiếp cận đầy đủ các điều kiện cần thiết để phòng, chống dịch bệnh.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là đầu mối thực hiện công tác bảo hộ công dân trong dịch Covid-19, thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân; tập hợp thông tin về tình hình công dân Việt Nam ở sở tại báo cáo và kiến nghị lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết; đưa ra các thông tin, khuyến cáo cho công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước liên quan đến việc di chuyển ở nước ngoài trong đợt dịch.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa bàn, giữ liên lạc thường xuyên, chặt chẽ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để nắm chắc, nắm đúng, nắm đủ thông tin về sức khỏe của người Việt Nam ở nước ngoài, động viên bà con yên tâm, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của Việt Nam và các nước sở tại, hạn chế di chuyển và về nước bởi có khả năng nhiễm bệnh trong hành trình trở về nước. Tổ chức thiết lập đường dây nóng, hoạt động 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận yêu cầu giúp đỡ của công dân Việt Nam, nhanh chóng tiếp cận, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết; đề nghị cơ quan chức năng sở tại cung cấp thông tin ngay cho phía Việt Nam các trường hợp công dân bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 và có biện pháp bảo đảm y tế, an ninh, an toàn, điều trị tích cực công dân Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều người Việt Nam “kẹt” tại các sân bay quốc tế, dù hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm cao, một số đã phải tự cách ly, cán bộ các cơ quan đại diện đã có mặt tại nhiều điểm nóng, kịp thời trấn an, hỗ trợ bà con, làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, các hãng hàng không, tìm ra những biện pháp thỏa đáng nhất cho bà con, đưa nhiều công dân về nước an toàn.

Đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan quốc tế hỗ trợ triển khai hơn 30 chuyến bay đưa công dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh về nước, với hơn 2.000 công dân, ghi nhận nguyện vọng của 17.249 công dân.

Phát huy công tác tuyên truyền trong phòng, chống dịch

Tính từ ngày 24-1-2020, Bộ Ngoại giao đã phát đi hơn 50 bản tin bảo hộ công dân. Lãnh đạo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, người đứng đầu một số cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã trả lời phỏng vấn, phát biểu ý kiến trên các tuyến tin, bài, phóng sự được dư luận quan tâm. Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã mở nhiều chuyên mục đưa hơn 1.700 tin bài, phỏng vấn hơn 20 Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các trang mạng do Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tích cực đăng tải thông tin, với mục tiêu minh bạch thông tin để người dân an tâm, không quá hoang mang khi dịch bệnh hoành hành.

Với mục tiêu đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động cung cấp thông tin cho một số hãng thông tấn lớn trên thế giới, để đưa tin về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Các tin, bài cũng bao gồm nhiều thông tin bảo hộ công dân, kêu gọi các nước đối xử công bằng với công dân Việt Nam, tích cực điều trị đối với những người không may nhiễm bệnh; đưa tin về các hoạt động viện trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho nước ngoài.

Các bài viết đã nêu bật được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phản ánh khách quan diễn biến của tình hình nhưng mặt khác, không gây hoang mang trong nhân dân, hướng đến mục tiêu cao nhất là trấn an người dân và khẳng định nỗ lực bảo hộ công dân của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trên thế giới, công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam đã trở thành “điểm sáng” trong phòng, chống dịch Covid-19. Báo chí quốc tế đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu phòng, chống dịch.

Đã hai tháng Việt Nam không có thêm ca lây nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng. Nước ta đã khống chế thành công đại dịch hoành hành trên quy mô toàn cầu. Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch.