Vị tướng và dấu ấn đường xăng dầu Trường Sơn

2020 là năm tròn 100 năm sinh Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920 - 2020). Cùng tìm hiểu câu chuyện về một chặng đường cống hiến của ông. Đó là những nỗ lực xây dựng đường ống xăng dầu phục vụ công tác vận chuyển, chiến đấu và chiến thắng trên những cung đường Trường Sơn lịch sử.

Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài (ngoài cùng bên phải) với các cựu cán bộ ngành hàng không. Ảnh: PHẠM LOAN
Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài (ngoài cùng bên phải) với các cựu cán bộ ngành hàng không. Ảnh: PHẠM LOAN

1. Những ngày đầu vào chiến đấu tại Trường Sơn năm 1961, tôi mới 17 tuổi, là bộ đội lái xe. Cánh lính chúng tôi ngày đó không ít lần nhắc tới cái tên Phùng Thế Tài. Khi các tuyến đường Trường Sơn được mở ra, trực tiếp chiến đấu với nhiều binh chủng kỹ thuật mới được thành lập như công binh, vận tải, pháo phòng không, thông tin… thì bài toán về bảo đảm hậu cần kỹ thuật rất hóc búa được đặt ra. Sau này dần trưởng thành được đảm đương các vị trí lãnh đạo đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn có tầm nhìn bao quát hơn mới thấy những xử lý quyết đoán của lãnh đạo cấp trên là hết sức đúng đắn, góp phần quyết định thắng lợi chung và chiến công của bộ đội Trường Sơn.

16 năm chiến đấu anh dũng của bộ đội Trường Sơn trên tuyến đường mang tên Bác đã phải đối mặt với mọi thủ đoạn, mọi phương tiện và vũ khí tối tân nhất của đế quốc Mỹ. Địch đã thực hiện 733 nghìn trận oanh kích bằng đủ loại máy bay trong đó cả B52; trút xuống Trường Sơn bốn triệu tấn bom đạn các loại, trong đó có hàng chục vạn lít chất độc da cam - đi-ô-xin. Nói thế để thấy sự khốc liệt và hy sinh vô bờ bến của bộ đội và nhân dân ở Trường Sơn. Để đưa được một cân hàng, một khẩu súng vào chi viện cho miền nam, chúng ta đều phải trả giá bằng xương máu. Bộ đội Trường Sơn trong đó có rất nhiều thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã chiến đấu kiên cường, giành giật từng thước đường với lời thề: Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc; Còn người còn xe, còn hàng; Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường; Coi dây như ruột, coi cột như xương. Bộ đội Trường Sơn đã làm nên hệ thống giao thông huyền thoại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17 nghìn km đường cơ giới, vận chuyển hơn 1,8 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho các hướng chiến trường. 

2. Từ cuối năm 1967, với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách Phòng không - Không quân, Đoàn 559, Hải quân kiêm phụ trách hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng chí Phùng Thế Tài cùng các đồng chí trong Bộ Tổng Tham mưu luôn bám sát mọi diễn biến chiến trường, chủ động, sáng tạo, bằng mọi cách chi viện cho chiến trường miền nam. Khi được phân công phụ trách Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài với cá tính của mình luôn đóng vai trò đốc chiến ở những thời điểm nóng bỏng, quyết liệt nhất mà khi đó cánh cán bộ cấp thấp không phải điều gì cũng biết. Tuy nhiên, sau này được nghiên cứu, tìm hiểu, đặc biệt qua sự trưởng thành của các lực lượng bộ đội Trường Sơn trong đó có bộ đội xe máy - xăng dầu, chúng tôi càng thấy sự sâu sát của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

3. Trong hồi ký của mình, đồng chí Phùng Thế Tài nhớ lại: “Cuối năm 1967, khi xăng dầu trở thành vấn đề thời sự trong các cuộc giao ban hằng ngày, tôi được cử thay mặt Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu dự cuộc giao ban do Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập, tập trung bàn về công tác giao thông vận tải chi viện cho chiến trường. Tất cả các binh trạm cửa khẩu gặp khó khăn trong vận chuyển nên cả tháng 12-1967, tuyến Trường Sơn chỉ nhận được 20 tấn xăng. Nguồn xăng cạn đến mức chỉ dành cho cấp cứu, chỉ phát khi có lệnh của chỉ huy trưởng binh trạm trở lên. Cũng do thiếu xăng nghiêm trọng, lực lượng cơ giới trên tuyến gần như ngừng hoạt động. Hàng vũ khí, đạn dược và nhất là lương thực, thực phẩm không đưa vào sâu được phía trong, nên ở một số nơi bộ đội ta bị đói. Bữa ăn hằng ngày giảm xuống chỉ còn bốn lạng rồi hai lạng. Muối cũng không đủ ăn.

Sau cuộc họp, anh Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, bước vào phòng làm việc của tôi ở nhà Con Rồng - nơi làm việc của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu.

Tôi chưa hết ngạc nhiên về sự viếng thăm bất ngờ này thì anh đã nói:

- Tôi muốn bàn với anh một việc quan trọng!

Tiếp đó anh tự kéo ghế ngồi rồi hỏi tôi:

- Nghe nói năm ngoái anh sang Liên Xô, trong phái đoàn của anh Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó - TG) để xin viện trợ quân sự có đề cập đến đường ống của Hồng quân Liên Xô trong Đại chiến thế giới thứ hai…

Tôi trầm ngâm một lúc, có nhớ lại, rồi đập tay xuống bàn nói với anh Thiện:

- Đúng rồi! Chính tôi gợi ý với mấy cậu Cục 10 của Bộ Quốc phòng Liên Xô về vấn đề này. Họ đã chấp nhận để báo cáo lên trên nghiên cứu. Nhưng cậu Cục trưởng Cục Vật tư Bộ Quốc phòng, cũng được đi theo đoàn, gạt đi, cho là nước ta rừng núi, đèo cao, sông suối nhiều thì làm sao đặt đường ống được.

Chính ý kiến của cậu ấy đã làm cho anh Đồng phân vân nên cuối cùng vấn đề không được đặt ra trong cuộc hội đàm.

Nghe tôi nói thế, anh Đinh Đức Thiện cũng đập tay xuống bàn:

- Thế thì bây giờ ta làm. Không có đường ống, thì không thể giải quyết được vấn đề xăng dầu, mà xăng dầu hiện nay, như cuộc họp hôm nay cậu đã rõ, đang là vấn đề sống còn của cuộc kháng chiến.

Tôi nhớ từ sau ngày kho dầu Thượng Lý, rồi sau đó là kho dầu Đức Giang bị bom Mỹ đánh cháy, các đồng chí chuyên gia Liên Xô đã hỏi tôi mỗi khi dầu của Liên Xô viện trợ cập bến Hải Phòng thì các đồng chí chuyển dầu về các nơi như thế nào?

Thế là vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất chưa được bàn đến trong cuộc họp liên tịch vừa rồi thì anh Thiện và tôi bàn ngay trong phòng làm việc của tôi.

- Dứt khoát phải làm đường ống!

Sau hơn một giờ trao đổi, anh Thiện đứng lên kết luận như đinh đóng cột. Ra về anh còn thống nhất với tôi:

- Sáng mai cậu với tớ sang trình bày với anh Đỗ Mười vấn đề này. Rồi còn phải gặp cả anh Lê Đức Thọ nữa. Vì đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều ngành, trong đó có vấn đề tổ chức.

Xăng dầu là một vấn đề lớn, cốt tử mà lâu nay nó chỉ là một phòng xăng dầu, phải tách nó ra thành một cục hẳn hoi, mới đảm đương được yêu cầu to lớn hiện nay.

Anh Thiện rỉ tai tôi nói nhỏ:

- Vấn đề này tớ đã bàn trong Đảng ủy Tổng cục rồi và đã có văn bản đề nghị. Nhưng ta vẫn phải có cách riêng. Từ dưới đề nghị lên, từ trên thúc xuống may ra mới tiến hành nhanh được.

Cuộc làm việc với anh Mười và anh Thọ diễn ra rất tốt đẹp. Lúc bấy giờ anh Mười là Phó Thủ tướng phụ trách xây dựng, anh Thọ là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, hai tiếng nói rất có sức nặng, cả hai anh đều nhất trí với đề xuất của chúng tôi, trước hết là thành lập Cục Xăng dầu”.

4. Với tác phong của những người lính chiến, không thể để chậm thêm một giờ một phút nào nữa, phải có tuyến đường ống xăng dầu vào chiến trường, được sự nhất trí của trên, sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Cục Xăng dầu được thành lập, các khóa huấn luyện chuyên biệt về đường ống được cấp tốc tổ chức ở Đông Quan, Phú Xuyên, Hà Tây (trước kia). Bộ đội đặc công, công nhân gang thép Thái Nguyên và các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học lập tức được điều vào ngành xăng dầu Quân đội. Các chuyên gia Liên Xô cùng với kỹ sư của ta đảm đương giảng dạy những vấn đề cơ bản nhất.

Ngày 20-4-1968, Công trường 18 đảm đương thi công tuyến ống xăng dầu trên địa bàn Quân khu 4 được thành lập. Công trình đầu tiên X.42 vượt qua vùng “tam giác lửa” Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm được khẩn trương tiến hành bất chấp tình hình bắn phá ác liệt của địch. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện đã có mặt trong thời khắc lịch sử.

Tuyến đường ống vượt qua mưa bom bão đạn vươn dài vào chiến trường. Mạch máu được nối thông. Người chiến sĩ bớt hy sinh gian khổ hơn. Những chi viện cho miền nam ruột thịt khẩn trương và hiệu quả hơn để tiến tới ngày toàn thắng.

Qua câu chuyện về việc chỉ đạo thực hành làm tuyến đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn, chi viện kịp thời cho miền nam ruột thịt, càng thấy rõ ý chí quyết tâm và sự dũng cảm, sáng tạo tuyệt vời của bộ đội ta. Từ thời điểm khó khăn bộ đội phải gùi xăng vừa nguy hiểm vừa dễ phải hy sinh, chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã có hệ thống đường ống xăng dầu ngang dọc khắp Trường Sơn đã đi vào huyền thoại. Được bảo đảm đầy đủ xăng dầu, các phương tiện, binh chủng kỹ thuật ở Trường Sơn lớn mạnh từng ngày, thi đua lập nhiều chiến công xuất sắc.

Thượng tướng Phùng Thế Tài để lại nhiều câu chuyện chung quanh cuộc sống, chiến đấu, trưởng thành của vị tướng mà nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của Quân đội ta.