Vì sự thụ hưởng của người dân Thủ đô

Chia sẻ kết quả Đại hội đại biểu lần thứ 17 Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP Hà Nội quyết tâm tạo sự chuyển biến căn bản về công tác xây dựng Đảng và giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc. Hướng đến mục tiêu làm sao để người dân được thụ hưởng những thành quả từ sự phát triển của thành phố. 

Quang cảnh Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17. Ảnh: DUY LINH
Quang cảnh Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17. Ảnh: DUY LINH

Tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh

Chiều 13-10, tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP Hà Nội, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết (NQ) Đại hội với mục tiêu tổng quát đến năm 2025 xây dựng Đảng bộ TP Hà Nội có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12 nghìn - 13 nghìn USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt hơn 36 nghìn USD.

Về kế hoạch đưa NQ vào cuộc sống, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Thành ủy giữ quan điểm, muốn đưa NQ vào cuộc sống thì cuộc sống phải được phản ánh trong NQ. Thời gian qua, Thành ủy đã xây dựng các chương trình, đề án khoa học, liên tục làm việc với tám bộ, ngành trọng yếu để vừa giải quyết trực tiếp những vấn đề cần được tháo gỡ, đồng thời xác định tầm nhìn chiến lược đối với từng lĩnh vực. Sau Đại hội, thành phố sẽ sớm tổ chức xây dựng 10 chương trình hành động trên cơ sở kế thừa tám chương trình hành động của nhiệm kỳ trước. Trong đó có một chương trình về an sinh, phúc lợi xã hội. Ngoài những chính sách an sinh chung của cả nước, thành phố đã có thêm một số chính sách riêng như hỗ trợ người già trên 80 tuổi, hỗ trợ những người tàn tật, miễn phí xe bus cho người trên 60 tuổi, xét nghiệm tầm soát ung thư cho người trên 40 tuổi… 

Đặc biệt, lần đầu tiên trong Báo cáo chính trị và dự thảo NQ đã đặt mục tiêu mỗi năm khám sức khỏe cho công dân một lần, đây là chỉ tiêu không dễ thực hiện, tuy nhiên thành phố sẽ cố gắng làm. 

Về vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thành phố có hai kế hoạch chi tiết, sắp tới sẽ bổ sung, cập nhật thêm, tiếp tục triển khai. Về vấn đề nước sạch, NQ Đại hội phấn đấu 100% người dân nông thôn và thành thị dùng nước sạch, hiện nay 100% dân thành thị, 70 - 80% người dân nông thôn có nước sạch. 

Về việc tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, Bí thư Vương Đình Huệ thẳng thắn, với một thành phố có tốc độ đô thị hóa đặc biệt như Hà Nội thì tốc độ phát triển hạ tầng không thể theo kịp, dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên, quan trọng là thành phố có ý thức cầu thị và có trách nhiệm giải quyết những vấn đề đó.

Tăng cường giám sát cán bộ

Ngay sau Đại hội, tập thể Thường trực Thành ủy sẽ xây dựng kế hoạch báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ về phân công lĩnh vực phụ trách của các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy. Cùng với sắp xếp cán bộ các ban Đảng là kiện toàn nhân sự khối chính quyền, đoàn thể. Đến nay, đã kiện toàn xong chức danh khối Đảng và cơ bản kiện toàn nhân sự HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc… 

Thông tin về tỷ lệ cán bộ trẻ và cán bộ nữ, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho biết, khóa 16, Hà Nội có tỷ lệ nữ là 12% nhưng nhiệm kỳ này tăng lên 21%. Riêng trong Ban Thường vụ Thành ủy, tỷ lệ cán bộ nữ là 25% với bốn trên mười sáu ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là nữ. Đây là một tỷ lệ rất cao. Riêng tỷ lệ cán bộ trẻ (cán bộ sinh từ năm 1980 trở lại đây), vẫn chưa đạt được 10% theo quy định của T.Ư. Dù khách quan hay chủ quan thì cũng có trách nhiệm của Đảng bộ. Trong dự thảo NQ Đại hội, chúng tôi đã bổ sung một nội dung là phải quan tâm một cách có hệ thống đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ và quan tâm đến thế hệ cán bộ kế cận, bảo đảm lâu dài. Thành phố cũng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô” để kết nối toàn bộ tri thức trên địa bàn Hà Nội. Trong mạng lưới đó sẽ xuất hiện tài năng, nhân tố trẻ để bồi dưỡng, đào tạo qua thực tiễn. 

Chia sẻ về công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn, trong báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa 16 đã nhận thức rõ các khuyết điểm. Do đó, tại nhiệm kỳ này, chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát của Đảng. Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU và NQ 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên. Công tác này không chỉ gói gọn trong hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp, mà cấp ủy và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, đồng thời tăng cường thêm vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, các đoàn thể chính trị và toàn thể xã hội, tăng cường xử lý đơn thư, tố cáo, giải quyết bức xúc của nhân dân.

Vì sự thụ hưởng của người dân Thủ đô -0
Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ảnh: TRẦN HẢI 

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Trao đổi về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo của Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Đại hội 17 Đảng bộ thành phố đã đưa nội dung này vào văn kiện Đại hội. Mặc dù có nhiều lợi thế về việc phát triển KH&CN, nhưng như văn kiện Đại hội đã chỉ ra, KH&CN vẫn chưa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vì vậy, trong 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa 17 cũng có Chương trình số 07 về “Đẩy mạnh phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025”. Thành phố phấn đấu trong quý I - 2021 sẽ cụ thể hóa các vấn đề này thành chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.

Với mục tiêu để thành phố phát triển đồng đều, theo Bí thư thành ủy Vương Đình Huệ, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; trong đó tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh tái cơ cấu lao động nông thôn, phát triển kinh tế làng nghề, phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm các sản phẩm (OCOP). Đối với đô thị, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị... Mục tiêu hướng đến là phải làm sao để người dân được thụ hưởng những thành quả của quá trình xây dựng, phát triển thành phố.