Về quê hương chiếc gậy Trường Sơn

Tháng Bảy, chúng tôi về Hòa Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), thắp hương trên mộ các liệt sĩ. Con sông Đáy mềm như dải lụa chảy về đến làng quê, soi bóng núi Hương Sơn thơ mộng. Các liệt sĩ an nghỉ bên sông, ngày đêm nghe gió ru, sóng hát. Những ngôi mộ có tên và không tên - liệt sĩ của hai xã Hòa Xá và Vạn Thái được sang sửa, trồng thêm cây thêm hoa, ấm hương thơm như tấm lòng tri ân của nhân dân dành cho những người con ưu tú.

Cựu chiến binh Phùng Văn Quán và chiếc gậy Trường Sơn. Ảnh: TP
Cựu chiến binh Phùng Văn Quán và chiếc gậy Trường Sơn. Ảnh: TP

Bảo tàng truyền thống của xã là nơi lưu giữ hàng trăm ảnh và hiện vật quý giá. Hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn, một trong những biểu tượng của ý chí quyết tâm kháng chiến đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước vẫn khiến người xem xúc động. Các cựu chiến binh và dân quân tự vệ năm xưa, nay tuổi đã ngoài 80 tóc bạc, da mồi. Lại nhớ buổi biểu diễn văn nghệ trong lễ hội làng, tôi đã nhìn thấy những khuôn mặt trai tráng, trẻ trung rạng ngời khi bài hát của Phạm Tuyên với ca từ hào hùng “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân, đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn…”.

Các cụ cựu chiến binh và người dân vẫn kể cùng nhau về vùng quê của nghề dệt vải màn truyền thống, ngày ngày vang tiếng thoi đưa, bên cánh đồng nâu sẫm phù sa sông Đáy. Miền đất này từng là cái nôi nuôi dưỡng, che chở cán bộ Xứ ủy và Thành ủy: trước cách mạng Tháng Tám. Đồng chí Văn Tiến Dũng từng về ở nơi này trong những ngày giặc Pháp truy lùng ráo riết. Kháng chiến chống Pháp, các đồng chí cán bộ Thành ủy, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội về đây đóng trụ sở, dân làng chở che, nuôi giấu. Đến thời chống Mỹ, những người con ưu tú của quê hương đã lên đường ngay từ khi có đường 559. Và tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã thôi thúc tuổi trẻ xung phong ra chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều cái tên còn được nhắc như ông Đỗ Tít, Lưu Quốc Long… đã hành quân trên con đường Trường Sơn với cây gậy khắc dòng chữ: “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; Trường Sơn mùng 1-4-1967”. Từ đó, thanh niên Hòa Xá tiếp bước cha anh, lên đường với lời nhắn nhủ của dân làng: “Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân”. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên các chiến trường chống Mỹ, góp xương máu cho non sông liền một dải.

Và hôm nay, từ các nghĩa trang liệt sĩ trên các chiến trường năm xưa, nhiều liệt sĩ đã được đưa về yên nghỉ giữa lòng đất mẹ. Chiếc gậy Trường Sơn trở thành hiện vật quý giá được gìn giữ trong bảo tàng quê hương.