Trần Quốc Phi - Người ký nghị quyết “ba khoán”

Được sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, tôi lật lại những trang hồ sơ Nghị quyết số 68 ngày 10-9-1966 về “Một số vấn đề quản lý lao động trong hợp tác xã hiện nay”. Thì ra, chính ông Trần Quốc Phi (1921 - 1978) - Phó Bí thư Thường trực kiêm Trưởng ban Công tác Nông thôn - là người đặt bút ký Nghị quyết số 68 sau khi đã nhất trí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Ông Trần Quốc Phi (1921-1978). Ảnh: Tư liệu gia đình
Ông Trần Quốc Phi (1921-1978). Ảnh: Tư liệu gia đình

“Ba khoán” thay đổi Vĩnh Phúc

Nhà báo lão thành Thái Duy, người gắn bó với ngành nông nghiệp đã tổng kết lại: Thời kỳ những sau năm 1965, sản xuất trì trệ, sa sút. Nông dân chân lấm tay bùn nghèo đi, chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất hợp tác xã khấm khá. “Mỗi người làm việc bằng hai/Để cho chủ nhiệm mua đài sắm xe…”. Câu vè ấy từ cửa miệng xã viên cứ thế lan xa…

Đói. Đói triền miên. Nông dân khó khăn quá chỉ còn cách quay về mảnh đất 5% ra sức quay vòng để nuôi gia đình. Con trai ông Trần Quốc Phi, nhà báo Vũ Quang Đồng, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc, kể cho tôi nghe: Ở quê nhà, ông Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tự tay cầm cày xuống ruộng. Ở cùng bà con nông dân, ông thấy những mảnh ruộng 5% ấy năng suất hơn hẳn, từ củ khoai, cây lúa, đậu tương, bí ngô…Vậy là ông thí điểm “khoán việc tới hộ”. Hai tỉnh ủy viên được cử xuống cắm ở hai xã chỉ đạo. Ông Kiệt về xã Thanh Lãng, đại diện cho đồng bằng; ông Tuân về xã Khải Xuân, đại diện vùng đồi núi. Sau đó các xã của hai huyện Bình Xuyên và Lập Thạch được áp dụng khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm. Những nơi bờ xôi ruộng mật như huyện Yên Lãng và huyện Yên Lạc thì khoán cao hơn; còn những vùng đất cằn như Kim Long, Hợp Châu thì khoán thấp hơn.

Việc này được đem ra bàn trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các ông Hồ Ngọc Thu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Bạch Văn Sản và Dương Đức Lâm - Thường vụ Tỉnh ủy đều ủng hộ.

Từ thí điểm, đã được Tỉnh ủy tổng kết và ra Nghị quyết số 68 ngày 10-9-1966 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về “Một số vấn đề quản lý lao động trong hợp tác xã hiện nay”. Nghị quyết do Phó Bí thư Thường trực kiêm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trần Quốc Phi ký.

Ba khoán đã khiến bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc thay đổi hẳn. Không còn cảnh “cha chung không ai khóc”. Cũng chẳng còn tiếng than vãn “thằng còng làm, thằng ngay ăn”. Hộ lười và hộ chăm lộ rõ như ngày và đêm. Chẳng còn đánh trống ghi tên, giong công phóng điểm.

Mùa hè năm 1967, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đi nghỉ mát ở Tam Đảo. Vốn có tác phong sâu sát quần chúng, ông cho thư ký xuống núi hỏi han bà con. Gặp người của Trung ương, bà con nông dân cứ thế tông tốc kể: Bây giờ đi làm không theo kẻng nữa, ruộng đất nhà ai có thì nhà đấy làm, cuộc sống no nê lắm… Thư ký Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe vậy toát mồ hôi.

Ông Trường Chinh xuống núi gặp Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Nghe ông Kim Ngọc thẳng thắn thừa nhận các địa phương trên địa bàn tỉnh đang áp dụng “Ba khoán”. Sau đó, liên tiếp các cuộc kiểm thảo lên bờ xuống ruộng với cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ông Vũ Quang Đồng rủ rỉ kể, mỗi lần như vậy, Phó Bí thư Trần Quốc Phi ngồi dự họp, còn Bí thư Kim Ngọc bận việc khác, theo như hai cụ đã bàn bạc thống nhất với nhau.

Trần Quốc Phi - Người ký nghị quyết “ba khoán” -0
Nghị quyết số 68 do ông Trần Quốc Phi ký (Tư liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cung cấp).  

Khoán chui hay là chết!

Đó là câu hỏi của nông dân Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (1976). Khoán hộ bị thành kiến, bị lên án gay gắt. Đảng viên cơ sở đã lặng lẽ lãnh đạo quần chúng làm khoán sản phẩm, thực chất là tên gọi khác của khoán hộ. Khoán chui (miền bắc) hay khoán lén (miền nam) là cách làm ăn mới đạt hiệu quả kinh tế hơn hẳn khoán cũ. Đảng viên chịu kỷ luật thậm chí cả khai trừ Đảng, cũng vẫn làm khoán hộ.

Khoán chui cứ thế xuất hiện ở hợp tác xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội); ở Tiền Hải (Thái Bình) ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng)… Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, ông Trương Kiện làm nước đôi, không cấm bất cứ hình thức khoán nào. Đảng viên cơ sở ở Nghệ Tĩnh có người uất ức quá nói: “Đói quá phải “chui”, còn đúng sai hạ hồi phân giải”. Ông Hoàng Quy - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, quê hương của “Ba khoán”, tỏ ra rất nhẹ tay với khoán chui, chỉ nơi nào quá lộ liễu ông mới nhắc nhở.

Thế rồi, ông Võ Chí Công - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách Nông nghiệp dứt khoát đứng hẳn về phía nông dân khoán chui. Tán thành, có ông Lê Thanh Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Ngày 21-10-1980, ông Lê Thanh Nghị - Thường trực Ban Bí thư ký Thông báo 22 “kết luận của Ban Bí thư về một số công tác trước mắt công việc củng cố hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng huyện ở đồng bằng và trung du miền bắc”.

Ba tháng sau, ngày 13-1-1981, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 100-CT, cho phép áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp của Việt Nam. Chỉ thị do ông Lê Thanh Nghị ký, được ông Hoàng Tùng - Bí thư Trung ương Đảng, một nhà lý luận đánh giá có tầm quan trọng như một Nghị quyết lớn. Chỉ thị có tầm quan trọng như một Nghị quyết lớn ấy, bắt nguồn từ Vĩnh Phúc - quê hương khoán hộ - mà ông Trần Quốc Phi là một trong những người khởi xướng.

Năm 1978, ông Trần Quốc Phi lâm bệnh nặng, phải điều trị tại Bệnh viện Việt Xô. Những ngày cuối đời của ông, theo lời con trai ông kể lại, ông Kim Ngọc vào thăm. Cầm tay người đồng chí chung lưng đấu cật mà chảy nước mắt, ông Kim Ngọc hỏi: “Trương Phi bỏ Lưu Bị mà đi ư?”

Năm sau, ông Kim Ngọc cũng rời cõi thế. Bây giờ, ai lên Nghĩa trang Vĩnh Yên sẽ thấy hai ông Kim Ngọc (1917 - 1979) - Trần Quốc Phi (1921 - 1978) nằm cạnh nhau như thuở nào cùng làm Nghị quyết Ba khoán.

* Tài liệu tham khảo:

Hồi ký của ông Trần Quốc Phi (file ảnh đính kèm)

Bản sao Nghị quyết số 68 do ông Trần Quốc Phi ký 

Người họ Trần yêu nước nóng tính

Những năm 1945 - 1946 đầy biến động, vùng Vĩnh Yên - Phúc Yên là căn cứ địa của Việt Nam Quốc dân đảng. Hai bên Việt Minh - Việt Quốc đối đầu. Thời điểm ấy, trước thái độ khiêu khích của Việt Quốc, anh em Việt Minh khó lòng kiềm chế. Ông Trần Quốc Phi lệnh cho anh em thẳng tay trừng trị. Ông Vũ Hồng Khanh, nguyên Đảng trưởng Việt Nam Quốc dân Đảng cũng từng kể lại ông Trần Quốc Phi là nỗi khiếp sợ của Việt Quốc thời ấy.  Cái tên Trần Quốc Phi, theo con trai ông kể lại, có ý nghĩa là Người yêu nước họ Trần nóng tính như Trương Phi. Cái tên ra đời cũng chính từ thời gian này.