Thận trọng với từng mục tiêu phát triển kinh tế

Dù Việt Nam đã cơ bản khống chế tốt, không chủ quan với dịch Covid-19 và đang dồn sức khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lụt, song hậu quả mà đại dịch Covid-19 và thiên tai để lại là vô cùng to lớn. Chính vì vậy, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đã bày tỏ những lo lắng khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước (NSNN) tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV đang diễn ra.

Theo dự kiến, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 khoảng 4%.
Theo dự kiến, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 khoảng 4%.

QH khóa XV sẽ quyết định Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, nhưng QH khóa XIV vẫn cho ý kiến về kế hoạch này, cùng với những dự toán ngân sách lớn, nhiều triệu tỷ đồng về đầu tư công (ĐTC), tài chính trung hạn.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh), Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 có tầm quan trọng đặc biệt, bởi những khát vọng phát triển đã được lượng hóa với hai cột mốc năm 2030 và 2045. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Từ đây đến năm 2030 chỉ có hai kế hoạch 5 năm, đến năm 2045 chỉ có 5 kế hoạch 5 năm. Nếu hình dung chúng ta đang chuẩn bị cho “chặng bay mới”, mà có người còn gọi là Đổi mới vòng 2, thì 10 năm tới, đất nước phải cất cánh, đạt được bình độ cần có và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ đó bay nhanh hơn để gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển. 5 năm tới có ý nghĩa quyết định với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu cứ loay hoay, không cất cánh được, hay cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ, thì sau 10 năm sẽ không đạt được bình độ cần thiết. Khi đó, khát vọng sẽ mãi mãi là khát vọng mà thôi!

Để đạt được các cột mốc phát triển trên, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, phải giải quyết một loạt bài toán tăng trưởng, tài chính - NS, bảo vệ chủ quyền an ninh, Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền của dân và huy động sức dân, bằng những giải pháp, kế hoạch hành động được xây dựng như những đề án khả thi, khoa học và cụ thể. Công việc này liên quan đến đặc điểm “điều kiện bình thường mới” đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vì thế, chẳng những không thể xây dựng các mục tiêu như cũ, mà cơ chế và phương thức thực hiện cũng không thể như trước.

Cũng đề cập kế hoạch 5 năm tới, bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế (TTKT) được Chính phủ đề xuất, nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, đây là mục tiêu đầy thách thức nếu nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua. Từ năm 2010 đến 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2009 và 2020, con số còn thấp hơn nữa. Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5 - 7% trong 5 năm tới là mục tiêu rất gian nan.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là nội dung đã được đưa vào mục tiêu tổng quát trong Dự thảo nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021. Trong các chỉ tiêu chủ yếu được nêu tại Dự thảo, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) được xác định tăng khoảng 6% so năm 2020, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%...

ĐB Trần Văn Tiến (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% là cao, vì tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai, biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Cần xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý. Chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 3.700 USD là quá cao, vì năm 2020, bình quân mới đạt 2.750 USD. Vì vậy, cũng cần xem lại tính khả thi của chỉ tiêu này.

Cũng băn khoăn với chỉ tiêu TTKT năm 2021, ĐB Nguyễn Thị Yến (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ vừa qua ở một số tỉnh miền trung gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế của cả nước. Chính phủ cần có các kịch bản, phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ dịch Covid-19 trong “điều kiện bình thường mới” đối với kế hoạch của năm 2021.

Bày tỏ sự quan ngại trước khả năng “tốc độ tăng nợ công cao hơn nhiều tốc độ tăng GDP”, ĐB Nguyễn Minh Sơn (đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) thẳng thắn, nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,6 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn lãi khoảng 360 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỷ đồng, nợ công vượt mốc bốn triệu tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại và khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại, chưa vượt trần, song nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN có thể vượt mức 27,4%. So nợ công thời điểm ngày 31-12-2016, thì 5 năm tăng 56,6%, bình quân tăng 11,32%/năm, cao hơn nhiều so tốc độ TTKT. Với tốc độ như vậy, rủi ro thanh khoản và lãi suất đều cao hơn. Do đó, cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tiết kiệm hơn trong sử dụng đồng vốn này.

Xác định giải pháp cho kế hoạch năm tới, báo cáo của Chính phủ và các ủy ban của QH đều nhấn mạnh, tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; quyết tâm xây dựng bộ máy lãnh đạo năng lực, liêm khiết, giữ được niềm tin và biết cách huy động được trí tuệ, tâm huyết và sức mạnh của nhân dân.