Tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Trong bảy tháng đầu năm 2020, chi ngân sách tiếp tục tăng, khiến cho thâm hụt ngân sách 2020 dự báo sẽ tăng cao. Tuy nhiên, kể cả bội chi ngân sách thì chính sách tài khóa (CSTK) cần tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ (CSTT), người lao động và các doanh nghiệp (DN). Gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt gói an sinh xã hội, đã được giải quyết một bước nhưng cần quyết liệt triển khai nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. 

Doanh nghiệp và người lao động đang đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: LAM ANH
Doanh nghiệp và người lao động đang đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: LAM ANH

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta phải kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là CSTK và CSTT để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.

Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), Thủ tướng cho rằng, tháng 7 phát triển khá tốt, đặc biệt là kích cầu nội địa, du lịch nội địa, hàng không, những ngành chịu nhiều thiệt hại do Covid-19 thì đã tiến triển đáng mừng. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục đẩy mạnh, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng 7, đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao với mục tiêu kép là khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho TP Đà Nẵng. Chúng ta đã chỉ đạo trên tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cho rằng dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng, chống dịch. Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, có ba rủi ro, thách thức từ bên ngoài, đó là: Thứ nhất, dịch Covid-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề; thứ hai, căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước; thứ ba, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế. 

Thực tế thời gian qua, lạm phát được kiểm soát, đang giảm dần nhưng còn nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những khó khăn cần tháo gỡ, nhất là với ngành khai khoáng, khí đốt, khai thác dầu thô, công nghiệp chế biến, chế tạo. Chi ngân sách tiếp tục tăng, khiến cho thâm hụt ngân sách 2020 dự báo sẽ tăng. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kể cả bội chi ngân sách thì CSTK cần tiếp tục hỗ trợ cho CSTT, người lao động và các DN. Gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt gói an sinh xã hội, đã được giải quyết một bước nhưng cần quyết liệt triển khai nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Đi liền với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nêu rõ quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển KT-XH, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển KT-XH, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là CSTK và CSTT kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng. Cùng với đó, cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.

Việc gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa vì kinh tế gặp khó khăn khi dịch Covid-19 quay trở lại. Đây là một tuần thử thách nữa cho CSTK và CSTT. Mở rộng tín dụng, bảo đảm mức tăng cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Các ngành tài chính, kế hoạch, ngân hàng, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ có liên quan đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể quý III năm 2020 và năm 2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, chúng ta đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các DN thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn. Việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn. Giao Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8 để báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan. Giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi, ít tốn kém chi phí hơn. Môi trường kinh doanh phải thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam. Yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.