Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020 cho DN. Nhiều đại biểu (ĐB) QH đánh giá, đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ khi đặt trong bối cảnh cân đối thu - chi căng thẳng như hiện nay. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần cân nhắc, nếu có thể nên mở rộng đối tượng giảm thuế.

Các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng được đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Ảnh: LAM ANH
Các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng được đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Ảnh: LAM ANH

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 QH khóa XIV, sáng 16-6, QH đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết (NQ) về giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã (HTX), đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đề xuất của Chính phủ là giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giảm thuế TNDN cho DN, song nhiều ĐB QH còn băn khoăn về tiêu chí xác định. Cụ thể, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, về diện hưởng giảm thuế như đề xuất trên là cào bằng, không cân bằng với tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN. Do đó, cần thiết phải đánh giá thẩm định đầy đủ từng DN, từng ngành hàng dịch vụ về doanh thu, thiệt hại cụ thể thực tế do dịch Covid-19 gây ra, trên cơ sở đó xác định đối tượng chặt chẽ với thủ tục hành chính rút gọn, nhanh chóng, minh bạch. Về quy mô DN như tờ trình của Chính phủ là phù hợp việc cân đối nguồn thu ngân sách năm 2020, bảo đảm tính công bằng và mang tính khả thi cao trong thực tiễn.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) băn khoăn và nêu quan điểm, nếu căn cứ doanh thu dưới 50 tỷ đồng thì chỉ một nửa số DN nhỏ được hưởng chính sách giảm thuế, còn căn cứ tiêu chí lao động thì hơn 100 người đáng lý càng nên được hỗ trợ. Nếu theo hai tiêu chí như trên thì chỉ một nửa số DN nhỏ theo quy định của Luật Hỗ trợ DN NVV được hưởng, tôi không đồng ý. Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại, ở đây tiêu chí mâu thuẫn lẫn nhau và tính động viên là không có.

Chỉ nên xác định đối tượng dựa trên doanh thu hoặc lao động, không nên “ôm đồm” cả hai tiêu chí như dự thảo NQ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc góp ý, hỗ trợ DN tức là hỗ trợ nền kinh tế, DN NVV là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất. Nên đây là giải pháp hỗ trợ an sinh chứ không đơn thuần giải pháp hỗ trợ kinh tế. Khu vực DN NVV rất dễ tổn thương, nhưng khôi phục mở rộng quy mô rất nhanh, nên “kích” vào khu vực này cũng hiệu quả nhất.

Về vấn đề này, chia sẻ trước khi QH thông qua NQ về giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, ĐB Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của QH cho rằng, để hỗ trợ DN, Chính phủ mới gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất 5 tháng cho DN NVV vì đây là thẩm quyền của Chính phủ. Còn việc giảm thuế suất thuế TNDN là thẩm quyền của QH và sau khi cân nhắc, tính toán, Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 cho DN là tổ chức hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ khi đặt trong bối cảnh cân đối thu - chi căng thẳng như hiện nay.

Về vấn đề xem xét mở rộng đối tượng và tiêu chí xét hỗ trợ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu theo hướng mở rộng đối tượng, tiêu chí là hướng tới cả DN vừa. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng để tiếp thu, nhưng chọn tiêu chí làm sao để thực hiện thuận lợi, tránh rủi ro.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, vừa qua, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa hỗ trợ DN. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đến nay, chính sách đã đi vào cuộc sống và rất thuận lợi cho DN tự tính, tự khai. Trong quá trình thực hiện đang rất thuận lợi, nên chưa phải thanh tra, kiểm tra. Về cắt giảm phí, lệ phí, đến nay Bộ Tài chính đã ban hành 18 thông tư, quy định giảm các loại phí, lệ phí. Nhiều loại phí, lệ phí đã được giảm rất sâu, trong đó có lĩnh vực hàng không. Đặc biệt là giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, cho nên trong thời gian vừa qua đã có tác động rất lớn, góp phần ổn định thị trường. Bên cạnh đó, các chính sách như giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã được Ủy ban Thường vụ QH quyết định. Giảm chi phí cho DN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa một số nghị định để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu của DN, trong đó hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, da giày, dệt may.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Chúng tôi nhất trí với các ĐBQH nêu là thủ tục triển khai phải rất đơn giản. Theo quy định, các DN đã tự tính, tự khai, tự nộp. Tinh thần của NQ này cũng như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý chúng tôi phải tăng cường quản lý rủi ro, trường hợp cần thiết vẫn phải thanh tra, kiểm tra. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhưng công tác thanh tra, kiểm tra bên cạnh việc hạn chế, cũng phải tăng cường”.