Tạo dựng vị thế Việt Nam

Với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương đã và sắp thực thi, hàng Việt Nam đang tự tin ra “biển lớn” khi có những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện thứ hạng quốc gia, tạo dựng vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC), Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát huy các lợi thế cạnh tranh động thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh. 

Doanh nghiệp trong nước đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Doanh nghiệp trong nước đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Tận dụng hiệu quả các tuyến “đường cao tốc”

Theo Bộ Công thương, chỉ sau một năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Canada năm 2019 đã đạt 4,8 tỷ USD, tăng tới 23,3% so năm 2018. Năm 2020, bất chấp khó khăn của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới, trao đổi thương mại song phương vẫn đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,6%.

Với nhận định, CPTPP là một trong những FTA đã được doanh nghiệp (DN) Việt Nam tận dụng hiệu quả ngay khi có hiệu lực, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, hàng Việt Nam đã tiếp cận, khai thác hiệu quả những cơ hội ở các thị trường, đặc biệt các thị trường mà chúng ta có được các FTA, ngay cả với CPTPP - khu vực kinh tế thương mại còn nhiều điều kiện rất xa lạ với chúng ta, trong đó tiêu biểu là các thị trường mới như Mexico, Chile…

Không chỉ vậy, theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia (THQG) giá trị nhất thế giới năm 2019, THQG Việt Nam được định giá tới 247 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD so 235 tỷ USD năm 2018 và xếp hạng 42. Những năm gần đây, thứ hạng của THQG Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới. Kết quả tích cực này là nhờ những giải pháp của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, việc mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ XNK và hơn cả là sự nỗ lực của DN trong việc xây dựng thương hiệu, qua đó hình ảnh và THQG Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, năm 2020, tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu (XK) hàng hóa không phải chỉ thông qua giá trị tuyệt đối của kim ngạch XK mà ngay cả tỷ lệ khai thác, sử dụng các mẫu chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những ưu đãi ở khu vực thị trường mới có FTA đã thường xuyên đạt được mức độ từ 30% đến hơn 80%. Đó chính là yếu tố tạo ra cơ hội tăng trưởng và tăng trưởng bền vững trong cán cân thương mại song phương với các quốc gia này. Ngoài ra, việc đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng rất nhanh. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn cải thiện trình độ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT), củng cố xu thế bền vững trong hoạt động XNK cũng như sản xuất. Đặc biệt giúp DN trong nước có điều kiện tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều chuyên gia khẳng định, đây là một điều kiện rất cơ bản, bởi vì chỉ khi có điều kiện tiếp cận các DN FDI và CGTTC thì chúng ta mới có cơ hội để phát triển bền vững trong phạm vi toàn cầu cũng như xây dựng THQG và NLCT.

Tại lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng ví von: các tuyến “đường cao tốc” đã được mở ra. Vấn đề là phải làm gì để tất cả mọi phương tiện đều có thể tiếp cận và di chuyển trên hệ thống xa lộ này.

Thực tế, với một khu vực kinh tế thương mại có liên kết, kết nối thông qua các FTA lên tới 17 FTA hiện nay và còn ba FTA đang đàm phán… hoàn toàn có đủ dư địa, điều kiện để định hướng cho phát triển đất nước bền vững trong chiến lược dài hạn sắp tới. Vấn đề còn lại là tổ chức thực thi các FTA này có hiệu quả. Theo đó, Bộ Công thương định hướng sẽ tiếp tục tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống khuôn khổ luật pháp để hướng tới sự phát triển mang tính văn minh, tiến bộ của đất nước, của xã hội, của nền kinh tế. Trong đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức trong hệ thống chính trị nắm bắt và thực thi hiệu quả mà DN, người dân cũng phải thật sự trở thành chủ thể đích thực của quá trình hội nhập. Chỉ khi các chính sách hướng mạnh vào người dân, DN, lấy người dân, DN làm mục tiêu thì mới khai thác tốt nhất những lợi ích từ các FTA.

Nâng cao vị thế quốc gia

Thời gian qua, quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng và tương đối toàn diện, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và CGTTC. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc nhóm các quốc gia có NLCT toàn cầu ở mức trung bình cao. NLCT toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (xếp sau Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn nhóm bốn nước có NLCT mạnh nhất trong khối ASEAN.

Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành XK chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia XK lớn nhất thế giới. Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô-tô... tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đất nước.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, nhất là trong các ngành chủ lực. Bước đầu hình thành hệ sinh thái CNHT và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các DN trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Viettel, Vingroup, Trường Hải... tạo nền tảng cho CNHT, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và CGTTC.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước. Đó là sản xuất công nghiệp của Việt Nam nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; động lực trong sản xuất và XK các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch XK của cả nước. Thực chất, đây là biểu hiện của tăng trưởng năng suất thấp và khả năng cạnh tranh yếu của khu vực kinh tế trong nước. Cùng với đó, tính bền vững trong phát triển sản xuất và XK của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó 
đoán định.

Trong tham luận trình bày tại phiên thảo luận văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, để cải thiện thứ hạng trong mạng sản xuất và CGTTC, Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát huy các lợi thế cạnh tranh động thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên một nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho phát triển KT-XH và thực hiện mục tiêu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Việt Nam cần bám sát quan điểm xuyên suốt này của Đảng trên tiến trình nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất, CGTTC và phát triển bền vững.