Tâm niệm những điều Người căn dặn

Sau khi khởi thảo bản Di chúc lịch sử (năm 1965), cho đến khi từ trần (2-9-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần căn dặn chúng ta về một số điều Người nêu trong Di chúc - những điều trăn trở tâm huyết và bộc bạch chân tình.

Trao giải cho các tác giả đoạt giải Cuộc thi viết “Cán bộ, đảng viên Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: HẢI NAM
Trao giải cho các tác giả đoạt giải Cuộc thi viết “Cán bộ, đảng viên Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: HẢI NAM

1. Ngày 15-5-1965, “Nhân dịp mừng 75 tuổi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Di chúc bất hủ của mình. Trên bản sơ thảo, Người dặn: “Tuyệt đối bí mật”. Bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bốn năm. “Bộ khung” dàn ý và những ý chính đã được Người viết ngay từ lần đầu tiên. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh của mình các năm 1968, 1969, Người viết bổ sung một số đoạn và hoàn thiện lần cuối ngày 10-5-1969.

Sau khi đặt bút viết những dòng Di chúc đầu tiên, Người còn trăn trở nhiều về những công việc của Đảng, của dân, của nước trong tương lai dài sau khi nước nhà thống nhất. Đọc lại Hồ Chí Minh - Toàn tập, chúng ta dễ nhận thấy những năm sau, sức khỏe Người đã không còn tốt. Nhiều thư, điện được NXB chú thích rằng “gửi về khi Người đang chữa bệnh ở Trung Quốc”. Các tác phẩm in trong tập 14 và tập 15 (giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1969) của Hồ Chí Minh - Toàn tập (2011) bên cạnh các điện mừng, thư khen là những bài chuyên sâu mà khi so sánh nội dung với Di chúc ta thấy có nhiều sự tương hợp. Những bài đó nói kỹ hơn, làm rõ hơn những nội dung Người trăn trở nêu lên trong Di chúc. Và cũng có thể coi đó như những lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của Người trước lúc đi xa.

2. Ngày 25-3-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Cái “chìa khóa vạn năng”, ký bút danh Chiến sĩ, đăng Báo Nhân Dân (số 4733, ngày 25-3-1967). Sau khi nêu tình trạng một số đơn vị hợp tác xã, xí nghiệp ở Quảng Bình, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hà Nội gặp những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được nhưng “nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra việc dễ”, Người kết luận: “... thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” và “Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô và cuộc vận động quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1967 cũng nhất định sẽ thắng lợi” 1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh dân chủ trong các bài nói, bài viết của mình, nhưng có lẽ câu “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” cô đọng nhất, sâu sắc nhất và có tính khái quát cao nhất khi nói về vai trò của dân chủ và việc thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội. Người luôn tin ở nhân dân, dựa vào nhân dân nên Người đánh giá rất cao vai trò của việc thực hành dân chủ, cho rằng dân chủ là phương cách hữu hiệu nhất để giải quyết mọi khó khăn.

3. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của nhiều thế hệ cùng với nhau và kế tiếp nhau. Trong cuộc cách mạng trường kỳ của dân tộc, nhiều thế hệ người Việt Nam đã trở thành đồng chí cùng chiến đấu trên một trận tuyến. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam. Ngày 1-6-1969, Người viết bài báo cuối cùng của mình “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” (ký bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân số 5526, ngày 1-6-1969), trong đó nhấn mạnh: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân” và “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt” 2.

Trong những lời cuối cùng để lại trước lúc đi xa, một lần nữa Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và cần thiết”... “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” (Di chúc) 3. Đây là sự chuẩn bị tốt nhất cho lợi ích lâu dài của đất nước vì thanh niên là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta” (Di chúc) 4.

4. Ngày 14-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mác-ta Rô-hát, phóng viên báo Granma (Cuba). Bài tường thuật buổi phỏng vấn này đã được in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Granma (Cuba), số ra ngày 29-7-1969 và bằng tiếng Pháp trên báo Granma (xuất bản hằng tuần), số ra ngày 3-8-1969, với đầu đề “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” - trích từ một câu Người trả lời phỏng vấn. Báo Nhân Dân dịch và in lại ngày 27-9-1969. Đây là lần trả lời phỏng vấn cuối cùng của Người. Trong bài phỏng vấn, Người dành nhiều thời gian để nói về cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam, về tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân miền Nam, về những thành tựu của nhân dân miền Bắc và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Cuba anh em. Nhưng Người còn nói thêm về mình: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Và Người còn băn khoăn day dứt: “Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam” 5. Bài phỏng vấn này được đăng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Chúng ta càng thấy cảm động hơn và sinh động hơn những lời Người bộc bạch sau cùng: “Về việc riêng: Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (Di chúc) 6.

50 năm đã qua từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và kính yêu vĩnh biệt chúng ta, cũng là 50 năm chúng ta nguyện thực hiện trọn vẹn những lời thiêng liêng cuối cùng Người để lại trong Di chúc. Chúng ta đọc lại và tâm niệm những điều Người căn dặn để nhìn rõ hơn nữa những định hướng Người đã chỉ cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước để thực hiện tốt hơn những mong mỏi của Người.

1. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 15, tr. 325 - 326

2. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 15, tr. 579

3. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 15, tr. 612

4. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 15, tr. 617

5. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 15, tr. 674 - 675

6. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 15, tr. 615