Phải sát việc, sát thực tiễn, sát dân

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã đi được một phần ba chặng đường của năm 2018, tinh thần chung là tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, phải sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”.

Bốn tháng đầu năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của QH. Ảnh: ANH NAM
Bốn tháng đầu năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của QH. Ảnh: ANH NAM

Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn một số nội dung quan trọng: Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2018; thảo luận một số vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế như dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bốn tháng đầu năm 2018; việc quản lý, sử dụng viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIV và một số nội dung khác.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình tháng 4 và bốn tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của QH; thị trường tiền tệ, ngoại hối, mặt bằng lãi suất ổn định, thanh khoản tốt. Cụ thể, thu, chi ngân sách Nhà nước cơ bản được bảo đảm, đến hết tháng 4 đạt khoảng 33,8% dự toán thu và gần 27% dự toán chi. Tình hình sản xuất, kinh doanh diễn biến tích cực và tương đối toàn diện trong cả ba khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; xuất nhập khẩu (NK) hàng hóa tăng cao. Tính chung bốn tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 19%; tổng kim ngạch NK ước tăng hơn 10%; cán cân xuất, NK tiếp tục xuất siêu, thặng dư khoảng 3,39 tỷ USD.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế còn nhiều, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong những tháng còn lại của năm để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành, phải sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”.

Dẫn báo cáo của một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay khoảng 6,5-7,1%, Thủ tướng cho rằng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như giá dầu có thể tăng cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn… Một thách thức lớn là năng suất lao động trong nước còn thấp. Sức cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế trước sự biến đổi của thế giới còn là vấn đề đáng lo ngại. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, chưa đổi mới, chưa quyết liệt trong công việc. Do đó, đề nghị từng thành viên Chính phủ, các đồng chí bộ trưởng, tư lệnh các ngành phải luôn nhận thức rõ ràng trọng trách với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân, thật sự đổi mới, cầu thị, sát việc, sát thực tiễn, sát dân, theo dõi, ứng phó kịp thời với các vấn đề mới, biến động rất nhanh của bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; môi trường kinh doanh (MTKD), đầu tư, cải cách hành chính (CCHC)… Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, CCHC, cải thiện MTKD được xác định nhất quán là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Cần rà soát cơ chế chính sách, quy định pháp luật, nếu không còn phù hợp, cản trở sự phát triển KT-XH thì sửa ngay.

Chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2018, chiều 3-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và một số lãnh đạo bộ, ngành đã thẳng thắn trả lời báo chí về những vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm hiện nay.

Đơn cử, về hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của đồng bào. Tuy nhiên, cũng kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống của dân tộc. Yêu cầu các bộ, các cơ quan trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, cơ quan chức năng, địa phương phải rà soát, xem xét, đánh giá lại, chấn chỉnh những hoạt động không hợp pháp, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hay việc Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) mới đây đã phê chuẩn, bổ sung một loạt sân golf vào quy hoạch sân golf của Việt Nam đến năm 2020, trong khi một số địa phương như: Đác Lắc, Bắc Giang diện tích đất nông nghiệp đã rất hạn hẹp. Thứ trưởng KH&ĐT Lê Quang Mạnh khẳng định, để xem xét, phê chuẩn quy hoạch của sân golf phải bảo đảm rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau. Trong đó, chắc chắn hai nội dung liên quan việc sử dụng đất lúa, đặc biệt là đất lúa hai vụ cũng như đất rừng, được xem xét hết sức chặt chẽ để bảo đảm các thủ tục hợp pháp và không ảnh hưởng việc sử dụng hai loại đất này.