Nhớ Trường Sa và những ngày canh giữ đảo tiền tiêu

Trong khí thế hào hùng của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sau chiến thắng vang dội ở khắp các mặt trận, quân ta tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Những câu chuyện xoay quanh sự kiện lịch sử đặc biệt này và cả những ngày tiếp quản quần đảo được hiện lên sinh động, rõ nét trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu).

Lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây.
Lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây.

Giải phóng Trường Sa

Trên một con ngõ nhỏ nằm sâu trong phố Liễu Giai, ngôi nhà của vị tướng già đã phủ lên nét rêu phong, trầm mặc với vẻ tĩnh mịch. 45 năm đã qua đi, nhưng ký ức hào hùng vẫn vẹn nguyên qua giọng kể hào sảng của vị tướng tóc bạc.

Khi đó, ông đang là cán bộ tác chiến của Bộ Tổng tham mưu. Ông kể: Cuối năm 1974, Cục Tác chiến phối hợp Cục Quân báo đánh giá tình hình ngụy quyền Sài Gòn. Thế và lực của địch đã suy yếu rõ rệt. Trong khi đó, phía địch đã có những nhận định, đánh giá không đúng về tình hình của ta, khi chúng cho rằng, năm 1975, quy mô hoạt động của ta sẽ lớn hơn năm 1974, nhưng không bằng năm 1968 và 1972. Ta phải tận dụng tối đa cơ hội này.

Theo đó, sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị ở cả hai miền nam - bắc, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta được phát động và diễn ra bằng bốn đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong khí thế tiến công như vũ bão khắp các mặt trận trên bộ, ngày 25-3, theo đề nghị của Quân ủy T.Ư, Bộ Chính trị đồng ý ghi vào Nghị quyết: Giải phóng quần đảo Trường Sa. Theo chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cục Tác chiến đã cử cán bộ sang Bộ Ngoại giao xin cung cấp tài liệu, bản đồ về các đảo, quần đảo Việt Nam. Cục chuyển lệnh của Bộ Tổng tham mưu cho Bộ Tư lệnh Hải quân phái ngay sở chỉ huy tiền phương vào Đà Nẵng, vừa tiếp quản căn cứ hải quân ngụy, vừa chuẩn bị sẵn sàng phát triển chiến đấu trên biển, giải phóng các đảo của ta. Ngày 4-4, Quân ủy T.Ư giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy chiếm giữ.

Ngày 9-4, Bộ Tổng tham mưu điện tối khẩn cho Quân khu 5 và hải quân: Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi các đảo ở Trường Sa. Cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã xác định.

Sau đó, cố Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh binh chủng Đặc công, lúc đó mang hàm Trung tá, Đoàn trưởng đặc công Hải quân, được lựa chọn chỉ huy bộ đội đặc công chiến đấu giải phóng quần đảo. Cuối ngày 10-4, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên. Ngày 13-4, các đơn vị báo cáo, xin thông qua phương án tác chiến, quyết định: Hướng đổ bộ lên đảo là hướng tây nam.

Đúng nửa đêm ngày 14-4, ta bắt đầu nổ súng. Sau gần 20 phút chiến đấu, trước sự tiến công bất ngờ của ta, địch buộc phải đầu hàng. Có thể nói, đây là trận đánh chớp nhoáng, với phương châm đánh nhanh, thắng nhanh để chiếm giữ một vị trí trọng yếu. Chiến thắng này có ý nghĩa to lớn, tầm chiến lược. “Đảo Song Tử Tây được giải phóng làm quân địch trên quần đảo Trường Sa hoang mang, tạo điều kiện cho ta giải phóng các đảo còn lại thuận lợi. Từ ngày 14 đến 29-4, bộ đội hải quân được tăng cường một đơn vị của Quân khu 5 đã giải phóng hoàn toàn các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh hồi ức.

Nơi đầu sóng và nỗi lòng của vị lão tướng

Sau khi Trường Sa được giải phóng, nhiệm vụ nặng nề không kém là tiếp quản, bảo vệ thành quả chiến đấu và xây dựng Trường Sa. Ngược dòng thời gian, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể cho chúng tôi về Trường Sa của hơn 40 năm trước, khi ông cùng cố Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương là những người được giao nhiệm vụ tiếp quản đảo, sau khi miền nam được giải phóng.

Trong khoảng 15 năm sau đó (1975 - 1990), với cương vị là chỉ huy phụ trách đảo Trường Sa, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh tham gia thực hiện những công việc đầu tiên để làm nhà chân cao tại đảo. Tất cả những kỷ niệm đó đều được ông ghi chép vào cuốn hồi ký riêng. Một trong những nỗi cực nhất là cơn khát nước ngọt dai dẳng. Hồi mới tiếp quản, trong số năm đảo nổi thì chỉ có Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết là có bể chứa nước xây từ thời chế độ cũ, mỗi bể chỉ khoảng năm khối và dưới đáy là cả gang phân chim. Tàu vận tải phải chở gấp các téc đựng xăng dầu (15 - 20 m³) của chế độ cũ trong căn cứ quân sự Cam Ranh ra làm đồ chứa nước cho bộ đội đảo. Bây giờ ngoài Trường Sa, chuyện thiếu nước vẫn còn ở các đảo, nhất là đảo chìm. Tuy nhiên, so những năm khi đất nước mới thống nhất thì bộ đội có điều kiện sống tốt hơn nhiều, bởi ngoài các máy lọc nước cấp phát cho từng đơn vị trên đảo để cung cấp nước ăn uống, hệ thống trữ nước và việc chăm sóc về nước ngọt cho những người lính đảo được chú trọng hơn.

Trong ký ức của vị lão tướng, những dấu ấn về Trường Sa vẫn hiện lên sinh động, vẹn nguyên bao nhiêu vất vả của người lính hải quân làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển, đảo của Tổ quốc... “Những người lính hải quân bám trụ trên biển suốt 12 tháng, thậm chí phải ở hơn 20 tháng mới được vào đất liền. Sống giữa biển, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng với tình yêu Tổ quốc và biển đảo, các chiến sĩ đã vượt qua mọi trở ngại, sống lạc quan, yêu đời nơi đầu sóng”, vị tướng già bồi hồi.

Ở tuổi ngoài 90, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Những dấu ấn về cuộc kháng chiến chống Mỹ được ông lưu giữ cẩn thận. “Sau khi học ở Liên Xô (trước kia) về, tôi được tổ chức tin tưởng giao đảm nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236, đơn vị tên lửa đầu tiên của quân đội ta. Ngày 19-5-1967, tại trận địa Yên Nghĩa (Hà Tây trước kia), chúng tôi đã chỉ huy đơn vị bắn rơi chiếc A4 của Mỹ, lập công xuất sắc làm món quà mừng sinh nhật Bác”. Đang trong giờ giải lao, một cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân xuống trận địa trao Huy hiệu Bác Hồ. Ông và ông Lã Đình Chi, nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236 là hai người đầu tiên của bộ đội tên lửa vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Chiếc Huy hiệu Bác Hồ đối với ông như báu vật, là động lực lớn để ông chiến đấu, cùng đồng đội lập nhiều chiến công.

Gợi nhắc đến những ngày tháng Tư lịch sử, đến cuộc Tổng tiến công năm xưa, ông không thể quên những ngày gian khổ nơi đầu sóng khi tiếp quản quần đảo tiền tiêu. Như ông tự nhận, Trường Sa luôn là dấu ấn rất đặc biệt và sâu đậm đến độ trong mỗi câu chuyện của ông đều phảng phất hơi thở của biển cả, của đảo xa và hình bóng những người lính hải quân. Trong thoáng chốc, vị tướng già bất giác trở về với hiện tại. Từ ánh mắt nhìn xa xa, ông như đang cố gắng cảm nhận lại vị mặn mòi của biển cả, sự bao la của biển đảo quê hương với nỗi khát khao khôn xiết được trở ra thăm đảo một lần...