Nhớ lời Bác, đã cố gắng rồi, thì gắng thi đua hơn nữa

Bà Vũ Thị Hồng Điệp ở số nhà 32, ngõ 88, phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội nhớ mãi hai lần được gặp Bác Hồ, được nghe Bác nói chuyện, căn dặn. Bà đã thấm nhuần và thực hành những lời dạy của Người không chỉ trong thời gian công tác tại Công ty may 10. Khi đã nghỉ hưu, bà vẫn luôn tận tâm, nhiệt huyết vì công việc chung ở khu phố.

Bà Điệp (trái) kể cho con dâu về những ngày công tác tại Công ty may 10 vinh dự được gặp Bác Hồ.
Bà Điệp (trái) kể cho con dâu về những ngày công tác tại Công ty may 10 vinh dự được gặp Bác Hồ.

1. Gần 80 tuổi, nhưng bà Điệp còn nhanh nhẹn, tháo vát. Bà hào hứng kể về thời gian công tác ở Công ty may 10 và vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Hồi làm công nhân trong thời chiến, công việc rất bận rộn, vừa nuôi con nhỏ vừa chăm chỉ lao động sản xuất, tranh thủ dạy bổ túc văn hóa. Bà vẫn vượt khó lo chu toàn mọi việc, nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Lần lượt, bà đảm nhiệm các chức vụ từ tổ trưởng sản xuất, phó bí thư chi đoàn, thường vụ công đoàn, rồi giám đốc một xí nghiệp thành viên công ty, bà Điệp luôn khẳng định vai trò “đầu tàu gương mẫu”, được đồng nghiệp quý mến.

Ngày 8-1-1959, Bác về thăm xưởng may 10. Trông thấy Người, cô công nhân Vũ Thị Hồng Điệp cùng mọi người reo hò, vỗ tay vang dội chào đón và nhanh chóng tập hợp ở nhà ăn tập thể nghe Bác nói chuyện. Bác dặn dò phải tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Năm 1965, bà Điệp vinh dự đại diện xí nghiệp may 10 được cử đi dự hội nghị những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Hà Nội. Mọi người hân hoan khi biết tin hội nghị được đón Bác. Bà Điệp nhớ lại, khi Bác tới dự, Người đã biểu dương thành tích của chị em phụ nữ thực hiện tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và ân cần dặn dò: các cháu phải cố gắng, đã cố gắng rồi thì gắng sức thi đua hơn nữa, không được tự mãn.

Những lời dạy của Người là hành trang quý giá trong suốt cuộc đời bà Điệp.

2. Tính năng động, hoạt bát “miệng nói tay làm” vẫn vẹn nguyên ngay cả khi bà nghỉ hưu, hăng hái tham gia công tác ở khu phố. Với suy nghĩ giản dị còn sức khỏe thì còn cống hiến, năm 2004, bà Điệp bắt đầu tham gia công tác ở phường Đội Cấn. Sau một năm làm tổ phó, quần chúng nhân dân tín nhiệm bầu bà làm tổ trưởng tổ dân phố số 16. Rồi năm 2014, bà được bầu làm trưởng ban công tác mặt trận. Biết bà bị bệnh huyết áp cao, các con khuyên mẹ đừng quá “tham công tiếc việc” nhưng bà Điệp vẫn luôn cố gắng, bởi bà còn hăng hái, nhiệt tình với công việc chung. Bà thật sự là cầu nối bắt nhịp để chính quyền phường đến gần với người dân. Các cuộc vận động, chủ trương, phong trào của phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội phát động, bà đều nghiên cứu tỉ mỉ, phổ biến, giải thích cho bà con dễ hiểu, đồng cảm và thực hiện tốt. Triển khai việc lớn hay nhỏ, bà chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, đề cao dân chủ, công khai, minh bạch với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để tạo sự đồng thuận cao nhất. Dù tuổi cao, bà vẫn không quản ngại “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, vận động các hộ dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định của địa phương, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Bà Điệp luôn nêu gương, đi đầu trong mọi việc, tạo dựng uy tín để người dân tin tưởng nghe theo. Hòa đồng, sâu sát, gắn bó mật thiết với bà con, bà nắm bắt được tình hình gia cảnh từng nhà trong tổ dân phố. Địa bàn tổ dân cư số 3 với gần 500 hộ gia đình, hơn một nửa là cán bộ, công nhân, giáo viên về hưu, số còn lại làm buôn bán nhỏ, đời sống khó khăn, còn 10 hộ nghèo (nhiều nhất phường). Là chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác mặt trận, bà Điệp hiểu tâm tư, hoàn cảnh từng hội viên, trăn trở tìm cách tạo điều kiện giúp đỡ, động viên hội viên phấn đấu thoát nghèo, phát triển kinh tế như bảo lãnh vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, khích lệ các hội viên hỗ trợ cho vay vốn làm ăn. Gần 300 lượt chị em được vay vốn với số tiền hằng năm, tăng dần từ 250 triệu lên tới 595 triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều gia đình thoát nghèo, kinh tế dần ổn định.

Từ năm 2017, phường Đội Cấn có chủ trương xóa hết hộ nghèo. Những hộ còn sức lao động được tạo điều kiện cho vay vốn, giới thiệu việc làm, tuy nhiên vẫn còn năm hộ có người già yếu, cô đơn, người khuyết tật, mới thoát nghèo. Bà Điệp đề xuất hỗ trợ những hộ vừa thoát nghèo những quyền lợi mà họ được hưởng khi còn là hộ nghèo như tiền bù giá điện, có túi quà ngày Tết, lễ; trợ cấp cho một số trường hợp 200 nghìn đồng/tháng. Số tiền tuy nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ, thăm hỏi kịp thời để họ có thêm động lực vươn lên. Dù chẳng dư dả nhiều nhưng bà Điệp vẫn tích cóp tiền phụ cấp, tiền thưởng để 13 năm nay, Tết nào cũng tặng hơn 10 suất quà (từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng) cho các hội viên khó khăn, già yếu. Người nhận quà rưng rưng cảm động trước tấm lòng nhân ái “thương người như thể thương thân” của bà.

Luôn ghi nhớ lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, bà Điệp luôn cởi mở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên luôn được mọi người quý mến. Công tác tổ dân phố có lúc gặp khó khăn, trắc trở song bà chẳng nề hà, nản lòng. Tận tâm với công việc, luôn đặt quyền lợi chính đáng của bà con lên hàng đầu, nhờ đó mọi việc được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Đảm nhiệm nhiều trọng trách ở khu dân cư, công việc “làm dâu trăm họ” bộn bề như phổ biến pháp luật, vận động, nhắc nhở bà con nâng cao cảnh giác phòng ngừa trộm cắp, vệ sinh môi trường, giữ gìn ngõ phố văn minh sạch đẹp, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, kêu gọi đóng góp các loại quỹ…, bà Điệp đều hoàn thành tốt.

“Mình làm tốt nói dân mới tin, lại có thêm sự hỗ trợ, ủng hộ của các đoàn thể, của bà con thì việc khó mấy cũng xong”, bà Điệp đúc rút. Bên cạnh những bằng khen, giấy khen Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình, UBND phường Đội Cấn trao tặng, phần thưởng lớn nhất với bà Điệp là niềm tin tưởng và mến phục của mọi người. Chủ tịch UBND phường Đội Cấn Nguyễn Thị Ánh Hồng khẳng định, bà Điệp xứng đáng là tấm gương điển hình tận tâm với công việc để bà con học tập, noi theo.

Kịp thời nắm bắt tình hình, các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân và bằng kinh nghiệm lâu năm làm vợ, làm mẹ, bà Điệp đã hòa giải thành công nhiều vụ vợ chồng lục đục, con dâu cãi láo mẹ chồng, hai nhà liền kề bất hòa vì những chuyện nhỏ nhặt. Bà tâm sự, chuyện tuy lặt vặt nhưng không cẩn thận thì bé lại xé ra to. Nghệ thuật “hạ nhiệt” của bà chính là tìm hiểu kỹ ngọn ngành, rồi nhẹ nhàng, khéo léo phân tích cho từng bên đúng, sai một cách có lý có tình, khuyên nhủ ứng xử tôn trọng tình làng nghĩa xóm, vợ chồng nhường nhịn “cơm sôi bớt lửa” thì gia đình êm ấm…