Người chiến sĩ cách mạng chân chính

Ít người biết rằng, ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong Chính phủ lâm thời (28-8-1945) đã có chức danh Bộ trưởng không giữ Bộ nào. Không thể không kể đến cụ Bồ Xuân Luật (1907 - 1994), vị Bộ trưởng giữ nhiệm vụ lâu nhất với 10 năm (1946 - 1956). 

Bộ trưởng Bồ Xuân Luật.
Bộ trưởng Bồ Xuân Luật.

Bộ trưởng không giữ Bộ nào

Ông Bồ Xuân Luật sinh trong một gia đình nông dân tại xã Ngô Quyền (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Vào tuổi thanh niên, đang lao động cần cù với công việc nhà nông thì Bồ Xuân Luật bị thực dân Pháp cưỡng bức đi làm lính thợ tại tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, được chứng kiến tận mắt cảnh ngộ làm nô lệ của người dân mất nước, Bồ Xuân Luật đã cùng đồng đội thầm lặng chờ đợi thời cơ đứng lên tự giải phóng mình. Tháng 9-1940, nhân cơ hội Nhật - Pháp bắn nhau khi quân Nhật tiến công biên giới nước ta ở Lạng Sơn, Bồ Xuân Luật và đồng đội đứng lên làm binh biến nhưng không thành. Ông và các đồng chí buộc phải rút sang đất Trung Quốc, lập ra đội Phục quốc quân chờ đợi thời cơ khác. Chính trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc, ông đã có dịp gặp gỡ lãnh tụ Hồ Chí Minh. 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ Lạng Sơn ông Bồ Xuân Luật xuôi về Thủ đô. Ông vui sướng khi được đến Bắc Bộ Phủ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc để chào Người và báo cáo công việc. Trong hồi ký của mình, ông kể: “Tôi được đặt tay vào lòng bàn tay Bác, được ngắm nhìn lại khuôn mặt một vị lãnh tụ cách mạng rất giản dị mà tôi đã được gặp hơn một năm trước ở Liễu Châu và mới vài tháng trước ở Bách Sắc - Tĩnh Tây (Trung Quốc)”. 

Ông Bồ nhắc lại chuyện cũ và tỏ ra đau xót vì trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) có một số phần tử xấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thôi, nhắc lại chuyện cũ làm gì! Nay cách mạng thành công rồi, nhưng đang còn gặp nhiều khó khăn. Bây giờ phải đoàn kết, rất đoàn kết, để chiến thắng thù trong giặc ngoài”. Nói rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc ông tranh thủ về thăm gia đình ở Hưng Yên vì đã xa nhà lâu ngày. 

“Tôi vô cùng xúc động khi được Bác Hồ đưa cho tôi ít tiền để mua quà cho gia đình. Tôi lặng người đi, nước mắt rưng rưng. Tay cầm tiền của Bác mà lòng xốn xang”, ông Bồ Xuân Luật viết trong hồi ký.

Công tác ở trường Quân chính tỉnh Hưng Yên được vài tuần lễ thì ông Bồ nhận tin ở Hà Nội xuất hiện tình hình mới: Tưởng Giới Thạch đưa quân từ Trung Quốc vào nước ta núp dưới danh nghĩa quân Đồng Minh để tước khí giới quân Nhật, nhưng mưu đồ là giúp Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh lợi dụng danh nghĩa Đồng minh hội để chống phá chính quyền cách mạng. Vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi ông Bồ Xuân Luật về Hà Nội nhận nhiệm vụ. 

Ngày 23-10-1945, ông Bồ Xuân Luật cùng cụ Đinh Chương Dương, ông Lê Tùng Sơn, ông Trương Trung Phụng với tư cách là những người Cách mạng Đồng minh hội chân chính đứng ra họp một cuộc Hội nghị với các ông Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Hữu Nam và Dương Đức Hiền (thay mặt cho Việt Nam độc lập đồng minh, tức Việt Minh). Họ cùng nhau ký bản tuyên ngôn đoàn kết, khẳng định lập trường kiên quyết ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, không để những đảng phái đối lập lợi dụng danh nghĩa Đồng minh hội phá hoại đoàn kết, chống phá chính quyền cách mạng non trẻ.

Hành động này của ông Bồ Xuân Luật khiến những phần tử xấu trong các đảng phái đối lập không ưa thích và coi ông như cái gai trước mắt. Truyền đơn viết tay được dán trước nhà ông đe dọa:

“Hãy coi chừng! Tên phản đảng Bồ Xuân Luật. Đừng nên mượn danh nghĩa Việt Nam Cách mạng đồng minh hội làm hoang mang dân chúng, và ly tán giữa các chính đảng trong khi tất cả quốc dân cần phải đoàn kết thành một khối chống ngoại xâm.

Việt Nam Cách mạng đồng minh hội

Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần”.

Hồi 9 giờ sáng 18-12-1945, bọn ám sát của Việt cách đã bắn trọng thương ông Bồ Xuân Luật ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Ông được đưa vào nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) cấp cứu. Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã trực tiếp mổ cứu ông thoát chết. Ngay sau khi biết tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Trung ương Vệ quốc đoàn bảo vệ ông nghiêm ngặt. 

Nửa tháng sau, được sự tin tưởng của nhân dân, ông Bồ Xuân Luật trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Hưng Yên. Chính phủ Liên hiệp thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao ông Bồ Xuân Luật giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông. Hai tháng sau, khi ông Huỳnh Thiện Lộc là một đại biểu Nam Bộ ra, ông lui xuống làm Thứ trưởng Bộ Canh nông giúp Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc. Ngay cuối tháng 5-1946, Bộ trưởng Canh nông Huỳnh Thiện Lộc sang Pháp đàm phán, ở trong nước, ông Bồ trực tiếp điều hành mọi công việc của Bộ Canh nông năm tháng liền.

Một thập kỷ làm Bộ trưởng Không bộ

Từ khi Chính phủ lâm thời ra mắt (28-8-1945) đến năm 1960 kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa I, trong Chính phủ đã có năm người giữ chức Bộ trưởng Không giữ Bộ nào. Đó là các ông: Cù Huy Cận (28-8-1945 đến 14-11-1945); Nguyễn Văn Xuân (28-8-1945 đến 2-3-1946); Nguyễn Văn Tố (3-11-1946 đến 7-10-1947); Bồ Xuân Luật (3-11-1946 đến 12-1956) và Đặng Văn Hướng (1947 - 1953). Như vậy, ông Bồ Xuân Luật đã đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Không bộ suốt 10 năm liên tục. 

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bộ trưởng Không bộ Bồ Xuân Luật cùng Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc nếm mật nằm gai trường kỳ kháng chiến cho đến ngày nhất định thắng lợi. Tháng 3-1948, Bộ trưởng Không bộ Bồ Xuân Luật là Trưởng phái đoàn của Chính phủ kiểm tra công tác tại các tỉnh thuộc Liên khu 10. Mấy tháng sau, ông đi kinh lý Bắc Giang, thăm bốn huyện Yên Thế, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa ngay sau khi thực dân Pháp nhảy dù Việt Bắc. Bộ trưởng nhận thấy phong trào dân quân du kích tại địa phương tiến triển cả về số lượng và chất lượng. “Có những anh em (ở Lạng Giang) phối hợp với Vệ Quốc đoàn đánh những trận oanh liệt (Cẩm Lý) hay quấy rối địch ở vùng Lục Ngạn…” - Bộ trưởng Bồ Xuân Luật trả lời phỏng vấn tờ “Thi đua” - cơ quan ngôn luận của dân quân tỉnh Bắc Giang. Ông tuyên dương những tấm gương phụ lão điển hình như một cụ 70 tuổi là công chức về hưu ở Thủ đô tản cư tại xã Yên Hà, huyện Việt Yên, một cụ Trung đội trưởng 73 tuổi và một cụ Trung đội phó 75 tuổi, dân quân xã ở huyện Việt Yên đều được huấn luyện về quân sự. Ông cũng không quên biểu dương hoạt động luyện tập quân sự của phụ lão du kích xã Song Mai (Lạng Giang) không kém gì tinh thần và kỷ luật của dân quân du kích thoát ly tập trung. 

Tháng 7-1948, nghe tin Bộ trưởng Bồ Xuân Luật ốm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư hỏi thăm. Thư rằng: 

“Gởi ông Bộ trưởng Bồ Xuân Luật.

Tôi nghe nói chú yếu. Tiếc vì xa xôi, tôi không đến thăm chú được. Tôi gởi 1 chai mật ong để chú zùng (chữ trong văn bản - NV). Và rất mong chú chóng khỏe.

Tôi gởi lời hỏi thăm thím, và hôn các cháu.

Chào thân ái và quyết thắng”.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phần nào giải thích tại sao cụ Bồ Xuân Luật dù nhiều nguy hiểm chông gai vẫn một lòng một dạ tin tưởng đi theo kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng. Với nhiều cương vị khác nhau trong Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này, cụ Bồ trở thành vị nhân sĩ yêu nước, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bức tranh đại đoàn kết của toàn dân tộc. 

Tài liệu tham khảo: 

1.Lịch sử Chính phủ Việt Nam - NXB Chính trị quốc gia.

2. Bản chụp chứng minh thư của ông Bồ Xuân Luật do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1956; Chứng nhận Bộ trưởng Không bộ của ông Bồ Xuân Luật (tư liệu tác giả); Một số giấy tờ tuỳ thân của ông Bồ Xuân Luật (tư liệu tác giả).

3. Bản chụp lý lịch ông Bồ Xuân Luật gửi Ban Tổ chức Trung ương (tư liệu tác giả).

Năm 1986, ở tuổi 80, nhìn lại cuộc đời mình, cụ Bồ Xuân Luật viết: “Hơn bốn mươi năm qua, từ những năm 40 trước cách mạng tháng 8-1945, tôi từ một người dân có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã tìm gặp được Mặt trận Việt Minh, đặc biệt là được gặp trực tiếp Bác Hồ, nhờ đó tôi đã tiếp thu được sự giác ngộ và giáo dục của Đảng và Bác. Cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân, tôi đã trở thành người cán bộ trung thành của Đảng: từ những công tác tôi đã làm, và việc thực hiện nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch đã giao cho tôi trong dịp đầu tiên tôi được gặp Người từ tháng 3-1944”.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, cụ Bồ Xuân Luật đã đảm nhiệm các chức vụ: Bộ trưởng Canh nông (3-1946 đến 5-1946), Bộ trưởng không giữ Bộ nào (11-1946 đến 12-1956), Ủy viên Thường vụ Quốc hội (1956 - 1975), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1971 - 1994)…

Cụ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân”…