Nặng lòng với đồng đội

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã đi qua ba cuộc chiến hào hùng của dân tộc để giành và giữ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đã qua tuổi 90 nhưng người cựu chiến binh đầu bạc vẫn trăn trở với đồng đội, chiến sĩ của mình và với công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa. 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trong buổi ra mắt sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” (ngày 5-3-2020).
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trong buổi ra mắt sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” (ngày 5-3-2020).

Lên đường khi Tổ quốc gọi 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931, 17 tuổi đã là “Anh Bộ đội Cụ Hồ”. Ông đã trực tiếp chiến đấu qua các cuộc chiến tranh anh dũng của dân tộc: chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía bắc của Tổ quốc. Ông từng là Chủ tịch Ủy ban Quân quản lâm thời đầu tiên của thị xã Quảng Trị mới được giải phóng hoàn toàn (tháng 5-1972), Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (năm 1983). 

Tháng 3-1985, tình hình chiến sự Vị Xuyên (Hà Giang) ác liệt, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (khi đó là đại tá) nhận được lệnh của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, điều động lên Hà Giang, tăng cường một cán bộ có kinh nghiệm cho mặt trận. Chỉ ba giờ sau khi nhận quyết định, ông đã gấp rút lên đường. Sau này ông kể lại về cuộc chia ly này trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí: Sau nhiều năm xa cách, cứ nghĩ rằng gia đình sẽ được sum họp lâu dài, mình cũng có điều kiện cùng vợ nuôi dạy con cái. Lúc đó, vợ tôi cũng mới ở Thái Bình lên Hà Nội để gia đình đoàn tụ dù nhà cửa chưa có, vẫn phải đi ở nhờ. Nếu mình lên biên giới lúc này, thật sự gánh nặng gia đình lại trút lên vai vợ. Nhưng trước yêu cầu của Đảng, của quân đội, nghĩ mình là đảng viên, là cán bộ cao cấp và đi chiến đấu để bảo vệ biên cương, dù khó khăn đến mấy cũng phải khắc phục, tôi đã trả lời là “Sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.

Không chỉ sẵn sàng nhận nhiệm vụ, ông còn đề nghị cấp trên ra quyết định điều động ông về hẳn Bộ Tư lệnh Quân khu 2 chứ không chỉ là cán bộ tăng cường. Nguyện vọng được chấp nhận. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên. Ông là Tham mưu trưởng Mặt trận, đồng thời làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2 rồi quyền Tư lệnh Quân khu 2. 

Ký ức chân thực là những sử liệu quan trọng

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể: “Cuộc chiến khốc liệt tại Vị Xuyên chỉ kéo dài 20 km và có chiều sâu 5 km trên tuyến biên giới nhưng vô cùng khốc liệt, trong thời gian dài. Cuộc chiến đấu đó kiên cường, đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh. Có những ngày hàng vạn quả đạn pháo đã nổ, có những ngọn núi bị giảm độ cao đến vài mét, trắng một mầu đá vôi vì đạn pháo… Khốc liệt như vậy nhưng tôi đã chứng kiến một tinh thần quả cảm, lòng yêu nước vô bờ bến của những người lính Cụ Hồ, quyết tâm giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”. 

Ông đã kể lại những câu chuyện bi hùng đó trong tập “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” (NXB Thông tin và truyền thông) mới xuất bản của mình (tháng 3-2020) như một lời tri ân đồng đội. Là người trực tiếp trong cuộc, ở cương vị chỉ huy, có cái nhìn bao quát, tác giả đã mang đến cho bạn đọc một góc nhìn chân thực, cụ thể, sinh động về cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, khốc liệt của quân dân ta. Đặc biệt, cuốn sách đã mang đến cho người đọc những tư liệu quý, mang hơi thở của chiến trường. Nhận xét về cuốn sách, PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử việt Nam, cho biết: “Giới sử học đánh giá cao và rất mong muốn có được nhiều cuốn sách hồi ức, hồi ký của các tướng lĩnh, người lính trực tiếp tham gia chiến đấu giống như cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” này. Đó là những sử liệu quan trọng để những người làm sử hệ thống hóa và biên soạn sách lịch sử”.

Kết nối tri ân

Thắng lợi ở mặt trận Vị Xuyên oanh liệt và mang ý nghĩa cao quý nhưng tổn thất cũng không hề nhỏ. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh. Đến nay, còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt. Ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên có khoảng 1.750 liệt sĩ an nghỉ nhưng hơn một nửa số ngôi mộ chưa xác định được tên, tuổi liệt sĩ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa, thăm những đồng đội, chiến sĩ của ông còn nằm lại trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Vị tướng già bùi ngùi chia sẻ: “Cuộc chiến đã lùi xa, người còn, người mất nhưng trong thâm tâm, ai cũng tâm niệm một điều là còn nhiều việc chưa làm được. Một số người đến nay vẫn chưa hiểu rõ về Mặt trận Vị Xuyên và những tháng ngày chiến đấu ác liệt ở chiến trường này”. Với tâm nguyện đó, năm 2016, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã cùng những đồng đội cũ thành lập “Ban Liên lạc cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên” và ông được tín nhiệm bầu là Trưởng ban, để kết nối, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giúp đỡ nhau giải quyết những tồn đọng về chính sách. 

Cũng trong năm 2016, Đài tưởng niệm các chiến sĩ Vị Xuyên đã được xây dựng trên điểm cao 468. Địa điểm này ghi dấu trên bản đồ du lịch Hà Giang không chỉ bởi núi non trùng điệp, kỳ vĩ mà còn bởi lịch sử hào hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Khảm, Phó Trưởng ban thường trực Ban Liên lạc chiến sĩ Vị Xuyên cho biết thêm: “Đến nay, đã có hơn 40 Ban liên lạc ở các địa phương, các đơn vị đã ra đời. Các hoạt động thăm hỏi, tri ân các thương binh, liệt sĩ được quan tâm hơn. Đã tìm kiếm và quy tập thêm được hàng chục bộ hài cốt liệt sĩ và đưa vào nghĩa trang. Hàng trăm thương binh được giúp đỡ để làm thủ tục hưởng chế độ chính sách…”. 

Cuộc chiến bảo vệ biên giới năm xưa giờ đã lùi xa nhưng còn cần phải làm nhiều việc để giảm nhẹ nỗi đau còn lại. Nhiều việc đã được làm tốt: khắc phục hậu quả bom mìn, phát triển kinh tế... Còn những việc vẫn tiếp tục làm: thực hiện tốt chính sách xã hội, tri ân các gia đình liệt sĩ, các thương binh, cựu chiến binh, tìm kiếm, quy tập hài cốt những người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh nằm lại mảnh đất này đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ hoặc xác định được tên tuổi…