Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán

Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIV, QH đã có phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN). Các đại biểu (ĐB) QH đã khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), tài sản công (TSC), góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan thuế và KTNN có thể gây ra khó khăn cho người nộp thuế. Ảnh: LAM ANH
Sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan thuế và KTNN có thể gây ra khó khăn cho người nộp thuế. Ảnh: LAM ANH

Dù đã cho ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ, song ĐB Nguyễn Quang Vũ (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) tiếp tục nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua có nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng mà nguyên nhân nằm ở khâu giám định tư pháp. Khi giám định lĩnh vực tài chính, kinh tế chủ yếu do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, nhưng thực tiễn số lượng công việc rất nhiều và phức tạp. Việc bổ sung thêm cơ quan KTNN tham gia giám định là cần thiết, thậm chí không chỉ tham gia giám định tư pháp tài chính công, TSC mà còn thực hiện giám định về thuế, cũng không chỉ giới hạn ở các vụ án tham nhũng mà cả các vụ án kinh tế nói chung. Hơn nữa, quy định như vậy không mâu thuẫn về thẩm quyền so hệ thống luật hiện hành.

Tán thành quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) lưu ý, luật cần quy định các nội dung liên quan thẩm quyền của các cơ quan khác nhau để tránh chồng chéo khi tiến hành thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Về quy định quyền xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật… của KTNN, ĐB Tống Thanh Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) cho rằng, cần nghiên cứu về giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Đồng thời, cũng phải có quy định về việc kiểm soát chất lượng của kiểm toán để bảo đảm kết quả kiểm toán là khách quan và việc này cần giao cho một cơ quan độc lập thực hiện.

ĐB Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) bày tỏ quan điểm: Hệ thống pháp luật về kiểm toán chưa vững chắc, mà gốc rễ vấn đề là KTNN do QH thành lập nhưng lại chịu sự chi phối của Chính phủ. Do đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh thận trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm toán.

Cũng có ĐBQH bày tỏ không đồng tình với một số quy định tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), quy định tại Điều 2 Luật KTNN nêu rõ: Đối tượng áp dụng của luật bao gồm KTNN, cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, TSC; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động KTNN. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 3 Luật KTNN có quy định đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý sử dụng tài chính công, TSC. Việc KTNN đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 68 Luật KTNN để đưa cơ quan, tổ chức, DN có nghĩa vụ nộp NSNN vào cơ quan, tổ chức DN có liên quan hoạt động KTNN có thể không phù hợp, vượt quá phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật KTNN. Bởi vì, cơ quan, tổ chức, DN có nghĩa vụ nộp NSNN bao gồm những cơ quan, tổ chức, DN không quản lý, sử dụng tài chính công, TSC nhưng có nghĩa vụ nộp thuế, phí và các khoản phải nộp NS khác. Điều này dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan thuế và cơ quan KTNN; làm gia tăng trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với người nộp thuế. Trường hợp có khác biệt giữa kết luận thanh tra thuế và kết luận của KTNN thì người nộp thuế sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ.

Từ thực tế nhiều cuộc kiểm toán, dù đã kết thúc song việc công bố kết quả khá chậm trễ, đó là chưa kể kế hoạch kiểm toán hằng năm cũng có những bất cập, gây khó khăn cho các tổ chức, DN, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) đề nghị, luật sửa đổi cần bổ sung một số quy định chi tiết về kế hoạch kiểm toán hằng năm; thời hạn công khai kết quả kiểm toán. Trong khi đó, với quy định kiểm toán tham gia các vụ án tham nhũng, trên thực tế các vụ án tham nhũng không nhiều và khó chứng minh được yếu tố vụ lợi nên ngoài việc tham gia các vụ án tham nhũng cần quy định kiểm toán có thẩm quyền tham gia các vụ án kinh tế.

Không chỉ có vậy, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH Hà Nội) dẫn thực tế, nhiều đơn vị cố tình che đậy, không cung cấp thông tin cho cơ quan kiểm toán về đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền truy cập dữ liệu điện tử liên thông của các tổ chức, đơn vị để có thể thực hiện tốt công tác giám sát, hậu kiểm quá trình sử dụng tài chính công, TSC. Về việc công khai báo cáo kiểm toán, dù đã được quy định trong dự thảo luật nhưng chưa rõ hình thức, thời gian công khai, do đó, phải quy định cụ thể để các đối tượng biết và tiếp cận. Hơn nữa, khi những đơn vị được kiểm toán mà không đồng tình kết luận và phát hiện vi phạm thì có quyền khiếu nại. Khi đó, phải quy định Tổng KTNN có trách nhiệm thành lập hội đồng để xem xét lại, mở rộng thành viên với không quá 50% người của kiểm toán và hơn 50% người bên ngoài để bảo đảm kết quả khách quan.

Trong phiên thảo luận, trước các vấn đề ĐBQH nêu, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN hoàn thiện và khả thi khi được QH bấm nút thông qua. Quan điểm xuyên suốt là cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kiểm toán và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm toán.