Khúc hát Trường Sa

Đảo ở Trường Sa như những viên ngọc nổi giữa Biển Đông. Mỗi viên ngọc đều được mài giũa bởi cái gió, cái nắng của biển cả. Biển Trường Sa mùa này xanh biếc, rộng lượng chào đón những người con từ đất liền ra thăm đảo.

Giao lưu văn nghệ trên đảo Song Tử Tây.
Giao lưu văn nghệ trên đảo Song Tử Tây.

Chan chứa tình cảm hậu phương

Trên đảo Sinh Tồn Đông, tôi chú ý một vị khách cùng đi trong đoàn di chuyển lên trước, giở lá cờ Tổ quốc được xếp nhỏ, đặt cạnh bên cột mốc chủ quyền trên đảo. Anh đứng nghiêng mình, đầu hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng khẽ hát Quốc ca. Anh là Phạm Trần Long, Phó Giám đốc NXB Trẻ. Trước chuyến đi thăm Trường Sa lần này, anh Long đã mang lá cờ nhỏ bên mình để có cơ hội đóng dấu ở các đảo nơi anh đến.

Giữ trân trọng lá cờ đỏ sao vàng được đóng các con dấu ở các đảo, anh Long chia sẻ, ngoài thời gian giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, anh sẽ xin đóng các con dấu và chữ ký của chính trị viên trên đảo để thực hiện mong muốn của mấy đứa con ở Hà Nội về kỷ niệm ở Trường Sa. Ngoài anh Long, trong đoàn công tác chúng tôi còn có nhiều thành viên mang theo các vật dụng như sách báo, bản đồ về quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa để tặng và giao lưu cùng các chiến sĩ Trường Sa.

Trên đảo Sinh Tồn Đông, tôi còn bắt gặp nụ cười tươi rói của chiến sĩ Đoàn Duy Lân (SN 1995, quê Thanh Hóa) khi nhận gói hạt giống rau xanh từ đất liền. Đó là món quà ý nghĩa của chàng phóng viên trẻ Nguyễn Kim Sơn cho các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Hiểu được nỗi vất vả khi phần lớn đời sống cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa còn nhiều khó khăn, nhất là nước ngọt và rau xanh, trước chuyến đi, Sơn cùng nhiều thành viên trong đoàn đã kêu gọi nhiều người chung tay mang rau xanh ra đảo. “Những hạt giống này vài tháng nữa nảy mầm đâm chồi sẽ giúp bọn em cải thiện được bữa ăn hằng ngày”, Lân bộc bạch.

Mỗi đoàn công tác đến với Trường Sa có một món quà động viên các chiến sĩ đang ngày đêm canh gác bảo vệ biển đảo nhưng tựu trung lại, quà dù lớn hay nhỏ đều chan chứa tình cảm của hậu phương với Trường Sa.

Tất cả vì Tổ quốc

“Lính ở đảo Trường Sa/Quần đùi với áo da/Mỗi khi mặt trời qua/Lính nhìn nhau cười xòa/Mặt trời trên lưng lính…”. Đó là những câu thơ những người lính trẻ vẫn hay đọc cho nhau nghe trước khi ra làm nhiệm vụ ở các đảo. Chuyện là nhiều đảo ở Trường Sa vốn là đảo chìm nên với cán bộ, chiến sĩ trẻ khi làm nhiệm vụ ở đảo, bài học đầu tiên là cách chống chọi với nắng khốc liệt.

Trưa trên đảo Núi Le B oi ả bởi cái nắng gắt không một cơn gió. Gác ở cột mốc chủ quyền, chiến sĩ Lê Bá Vũ (quê Núi Thành, Quảng Nam) tay ôm cây súng, mắt nhìn xa về hướng chân trời. Nhìn khuôn mặt cương nghị, đen sạm vì nắng gió, ít ai ngờ ngoài giờ làm nhiệm vụ, Vũ lại có nụ cười hiền hậu cùng giọng nói ấm áp đến lạ. Vũ kể, trước khi ra đảo anh đã được nghe về nắng Trường Sa, “nhưng khi làm nhiệm vụ mới thấu hiểu, nắng gió chỉ làm con người đôi lúc mệt mỏi nhưng sẽ tôi luyện ý chí sắt đá của lính đảo…”.

Nói thế nhưng lính Trường Sa vẫn “ngại” nhất là gió biển. Gió hiền hòa nhưng cũng có lúc khô khốc, cạnh cắt làm nứt da, thậm chí lở loét nếu lính đảo dầm mình nhiều giờ dưới biển. Khó khăn lại càng chồng chất khó khăn khi vào mùa gió, Trường Sa khát mưa! Đại úy Nguyễn Trung Hải, chính trị viên đảo Núi Le B kể, từ đầu năm đến nay trên đảo không có một trận mưa nên việc sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Có những ngày thiếu nước, anh em trên đảo san sẻ vài lít nước ngọt sinh hoạt. “Vất vả, thiếu thốn trên đảo thì vô vàn nhưng trong lúc làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Núi Le B luôn làm tròn trách nhiệm được đất liền giao phó”, Đại úy Hải chia sẻ.

Đêm giữa đảo Trường Sa Lớn, tiếng gió biển hòa cùng khúc hát do lính đảo cất lên khiến bao người bồi hồi xao xuyến. Lính đảo Trường Sa nào đâu chỉ dạn dày sương gió mà còn tha thiết, lãng mạn trong những bản tình ca ca ngợi tình yêu đất nước. Lời hát “đảo này là của ta, biển này là của ta” được một chiến sĩ hát vang làm nhiều người rưng rưng nước mắt. Giữa muôn trùng sóng gió, có những người đã khóc khi nghe lời bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”.

Nhiều giọt nước mắt đã rơi, nhưng không bi lụy mà đằm thắm, hào hùng!