GÓP Ý KIẾN VÀO CÁC DỰ THẢO VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Trong số báo 1128, Thời Nay đã đăng một số ý kiến của các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ về các nội dung liên quan phương hướng phát triển văn hóa, văn nghệ đất nước. Chúng tôi tiếp tục trích đăng ý kiến của một số chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế - xã hội. 

TS Cao Viết Sinh 

(Nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư)

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước -0
 

Đất nước ta trải qua ba thời kỳ phát triển chiến lược. Lần thứ nhất là giai đoạn 1991 - 2000, đề cập tới vấn đề ra khỏi khủng hoảng, ổn định và phát triển đất nước, mà kết quả là sau khi thực hiện được 10 năm, chúng ta đã vượt ra khỏi khủng hoảng, trong đó tăng trưởng kinh tế bình quân 7,26%. Lần thứ hai là đưa Việt Nam ra khỏi nước có thu nhập trung bình thấp, về cơ bản chúng ta đã thực hiện được. Lần thứ ba, đặt ra một chiến lược, tạo tiền đề nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội dung này chúng ta đang thực hiện. Trong giai đoạn 2021 - 2030, đã có nhiều căn cứ khoa học và nhận được sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, chúng ta có nhiều đổi mới từ: Đánh giá, đặt vấn đề, quan điểm, đột phá, giải pháp. 

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đã kế thừa quan điểm còn phù hợp của Chiến lược 10 năm trước. Nhưng có nhiều điểm mới. Thứ nhất, Dự thảo đã đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thứ hai, Dự thảo đưa ra quan điểm lấy cải cách nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN làm mục tiêu để phấn đấu. Chất lượng của thể chế là rất quan trọng. Và đặc biệt nữa là vấn đề thực thi pháp luật. Về quan điểm phát triển, Dự thảo đã khẳng định phải vừa bảo đảm về pháp luật, nhưng tổ chức thực hiện pháp luật trong thực tế là cốt lõi. Thứ ba, Dự thảo đưa ra quan điểm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Đây là vấn đề rất mới, trước đây trong chiến lược chưa đề cập. Thứ tư, quan điểm về xây dựng nền kinh tế tự chủ. Trước đây cũng có đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, lần này đề cập là phải dựa trên làm chủ công nghệ. Dự thảo lần này đặt ra những vấn đề sâu hơn phải dựa vào làm chủ công nghệ, đặc biệt là phải hình thành cho được năng lực quốc gia, năng lực quốc gia sản xuất trong nước mình, làm chủ được năng lực sản xuất. Thứ năm, quan điểm cương quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, tự chủ chủ quyền một lần nữa được khẳng định tính nhất quán và kế thừa quan điểm mà Chiến lược trước đây đã nêu.

Cần có định hướng đột phá về quản lý đất đai 

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ

(Viện trưởng Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ TN&MT) 

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước -0
 

Để hoàn thiện định hướng chiến lược, cơ chế, chính sách pháp luật đất đai trong thời gian tới, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần đề ra mục tiêu nâng cao công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, huy động và phát huy nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh tế của đất nước thông qua tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp (DN), khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại khối hành chính sự nghiệp và các DN Nhà nước, đất nông, lâm trường. Đồng thời, cần đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận; chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới phục vụ quá trình công nghiệp hóa nông thôn, đô thị hóa và phát triển bền vững.

Cụ thể, tại trang 28 Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế… cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao”.

Cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực đất đai thì cần đặt vị trí, vai trò của quản lý đất đai tương xứng việc quản lý vốn và lao động. Vấn đề này đã được khẳng định tại Điều 54 của Hiến pháp, cụ thể là “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”.

Các nội dung quản lý và sử dụng đất cần được phân cấp và quản lý tập trung thống nhất từ T.Ư tới địa phương như quản lý ngân sách. Theo đó, Nhà nước cần có hệ thống ngành dọc từ T.Ư tới địa phương để quản lý thống nhất nguồn lực quan trọng này như: thiết lập hệ thống đăng ký và số hóa đất đai; kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; xây dựng bản đồ tích hợp quy hoạch sử dụng đất với hệ thống quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng - an ninh; sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính đất đai để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ đám mây để nhà quản lý, người dân và DN có thể truy cập mọi lúc mọi nơi thực hiện nhiệm vụ giám sát và quản lý đất đai, tài nguyên, rừng… thông qua người dân và DN, để “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, phục vụ lợi ích của người dân và DN.

Có thể nói, cần xác định đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nguồn lực đất đai; đề ra những định hướng đột phá trong thống nhất quản lý đất đai theo ngành dọc từ T.Ư tới địa phương để bảo đảm phát triển bền vững.

Hướng đến một thị trường hoàn hảo

TS Nguyễn Đình Cung 

(Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) 

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước -0
 

Khi đánh giá về thực hiện các đột phá chiến lược, Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược Phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030 đã nhận định là chậm. Trong đó, thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập. 

Theo tôi, KTTT hiện đại là nền kinh tế trong đó Nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo. Có thể nói đến một số đặc trưng chủ yếu của nền KTTT hiện đại như: có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định; chủ sở hữu là thể nhân, pháp nhân; mỗi tài sản đều có chủ và chủ sở hữu cụ thể; các chủ sở hữu có đầy đủ các quyền sở hữu... Trong nền kinh tế này, các chủ thể thị trường độc lập về pháp lý, được tự do quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai; tự do thỏa thuận hợp đồng, tự quyết định giá và trao đổi theo cung cầu thị trường...

Trong nền KTTT hiện đại, tự do kinh doanh và cạnh tranh thị trường chi phối phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối sự lựa chọn của các chủ thể thị trường; quyết định người thắng cuộc và đào thải những doanh nghiệp, cá nhân không đủ năng lực cạnh tranh... Nói cách khác, Nhà nước hoạt động theo thị trường và các can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế cũng không trái với nguyên tắc thị trường, mà phải thuận theo thị trường.

Trên thực tế, không bao giờ có thị trường hoàn hảo, nhưng can thiệp của Nhà nước phải hướng đến sự hoàn hảo, khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường. Song phải thẳng thắn, sau gần 35 năm đổi mới, con đường chuyển sang KTTT của Việt Nam vẫn còn dang dở. Tôi mong rằng, nhiệm kỳ tới đây, chúng ta sẽ kết thúc quá trình chuyển đổi, để Việt Nam có một nền KTTT chứ không phải là một nền KTTT chuyển đổi.

Tôi cho rằng, cải cách phải từ vai trò Nhà nước. Những khó khăn trong chuyển đổi sang KTTT của Việt Nam hiện tại không nằm ở vế thị trường, mà nằm ở phía Nhà nước. Trong nền KTTT hiện đại, vai trò của Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô; thiết lập khung pháp luật và bộ máy thực thi để thị trường hoạt động tốt; khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường và bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người...

Trong KTTT định hướng XHCN, Nhà nước XHCN phải làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn các chức năng xã hội. Có thể nói, khác biệt của KTTT hiện đại và KTTT xã hội chủ nghĩa ở chính vai trò Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

PGS, TS Hoàng Minh Sơn 

(Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo)

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước -0
 

Dự  thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo báo cáo) đã khẳng định “Phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thị trường; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ đạt kết quả tích cực”. Dự thảo báo cáo cũng chỉ ra hạn chế, yếu kém “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển”, “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển”.

Tuy nhiên, Dự thảo báo cáo nên chỉ rõ những nguyên nhân trực tiếp cho những hạn chế, yếu kém trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có hai nguyên nhân sau:

- Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa gắn kết chặt chẽ với đào tạo trình độ cao, chất lượng cao.

- Chính sách đầu tư và thu hút đầu tư cho đào tạo trình độ cao, chất lượng cao và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn nhiều bất cập, mức đầu tư thấp và thiếu trọng tâm.

Dự thảo báo cáo đồng thời khẳng định quan điểm Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, cần khẳng định yếu tố quyết định năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp hay của mỗi quốc gia chính là nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, mà còn có vai trò dẫn dắt sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại thông qua thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ, giúp chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Cũng chính vì vậy, cần khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư từ ngân sách, đồng thời tạo ra các chính sách thuận lợi để huy động các nguồn lực cho thực hiện đột phá chiến lược này, thực hiện quan điểm: đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực chủ yếu dẫn dắt và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

TS Trương Anh Dũng

(Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước -0
 

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tương lai phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như đáp ứng tốt trước những thay đổi của thực tế cuộc sống, thích ứng trong mọi hoàn cảnh, theo tôi có nhiều vấn đề đối với giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần phải được xem xét, đề cập trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng:

Thứ nhất: Cần có báo cáo đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể các kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về việc thực hiện ba đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XII xác định, trong đó có báo cáo đánh giá về GDNN để từ đó xác định các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới cần tập trung vào các đột phá cho giai đoạn 10 năm tới.

Thứ hai: Trong dự thảo các văn kiện, khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, cần đánh giá thực trạng hiện nay là thiếu hụt trầm trọng lao động có kỹ năng nghề phù hợp, từ đó trong tầm nhìn, định hướng phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo cần tập trung đẩy mạnh và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới với nhiệm vụ giải pháp là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo nhất là giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba: Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có kỹ năng phù hợp, cụ thể đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, đến năm 2030 đạt 80%, tương ứng với nó là tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đến năm 2025 đạt 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Bởi xu thế phát triển GDNN hiện nay là theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại với nhiều phương thức và trình độ, vì vậy người lao động có nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.

Thứ tư: Mục tiêu của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ GDNN phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cả sau THCS và THPT thay vì chỉ đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT như trong dự thảo các văn kiện.

Thứ năm: Phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, GDNN cần được ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước, trong ngân sách nhà nước dành cho giáo dục - đào tạo và các chương trình, dự án của quốc gia hằng năm theo tinh thần của Luật GDNN, trong đó xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững” với một trụ cột quan trọng là đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. 

Phát triển y tế trong giai đoạn mới

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung

(Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương)

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước -0
 

Trên tinh thần dân chủ và trách nhiệm, tôi có một số ý kiến nhỏ đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị để làm rõ thêm một số ý đối với chủ trương phát triển ngành y tế. 

Phần đánh giá, rất nên bổ sung những thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay, sự thành công của lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân nhưng cũng cần nhấn mạnh vai trò nòng cốt của hệ thống y tế với vai trò vừa tham mưu về chuyên môn kỹ thuật vừa trực tiếp thực hiện. Qua đó cũng bộc lộ những điểm bất cập cần khắc phục. Ngoài ra, thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục là một chủ trương lớn, đã có nhiều thành tựu nhưng cũng có những bất cập nên được nêu trong phần đánh giá. 

Phần định hướng chỉ tiêu xã hội, đến năm 2025, nên tăng thêm chỉ tiêu số bác sĩ thành 11 bác sĩ/1 vạn dân. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã đưa ra chỉ tiêu 9 - 10 bác sĩ/1 vạn dân. Chỉ tiêu này còn tới 5 năm nữa để thực hiện và có vai trò rất quan trọng bởi lực lượng bác sĩ là nòng cốt của nhân lực y tế. Chỉ tiêu này ở Việt Nam đang còn rất thấp so các nước trong khu vực và thế giới (Trung Quốc 19, Mỹ 26, Nhật Bản 24, Australia 48,3, Nga 43, Cuba 67,2). 

Chỉ tiêu về giường bệnh ở mức 30/1 vạn dân là phù hợp hiện nay nhưng về định hướng phát triển chúng ta cần cân nhắc. Tăng giường bệnh không phải là xu hướng của các nước phát triển, mà họ đang giảm số giường bệnh (thí dụ, Đan Mạch từ 30,7 giường bệnh/1 vạn dân xuống còn 21,6 vào năm 2017; Anh từ 27,6 đã giảm xuống còn 25,8 giường bệnh/1 vạn dân năm 2017). Để giải quyết quá tải bệnh viện cần giải pháp đồng bộ, trong đó Việt Nam cũng rất có tiềm năng vì có hệ thống y tế phân bốn tuyến, kết hợp nhuần nhuyễn vai trò của y tế dự phòng và y tế điều trị, cùng với tăng cường y tế cơ sở thực hiện cả hai chức năng. 

Chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95% dân số rất quan trọng cho tài chính y tế. Tuy nhiên, cần nêu rõ đa dạng hóa loại hình bảo hiểm y tế, bao gồm cả khuyến khích xã hội hóa dịch vụ bảo hiểm y tế nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tham gia bảo hiểm cũng như hệ thống y tế cung ứng dịch vụ y tế. Ngoài ra, trong ngành y tế, việc thực hiện công bằng trong những lĩnh vực khó khăn nguy hiểm còn bất cập.

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển. Bài học về dịch Covid-19 hiện nay cho thấy rất rõ vai trò của hệ thống y tế và mối liên quan đến phát triển kinh tế bền vững.