Huyền thoại Đồng Đen

Các cuộc kháng chiến thần kỳ đã sinh những thế hệ anh hùng, liệt sĩ tô thắm non sông nước Việt. Trong đó, có người con của quê hương thành phố mang tên Bác, người chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Kịp (biệt danh Đồng Đen).

Đường Đồng Đen ở phường 14, quận Tân Bình.
Đường Đồng Đen ở phường 14, quận Tân Bình.
Huyền thoại Đồng Đen -0

1/Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Kịp, sinh năm 1939, quê xã Vĩnh Lộc (nay là xã Vĩnh Lộc A), huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, nhập ngũ năm 1958, là chiến sĩ biệt động Sài Gòn vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Với biệt tài xuất quỷ nhập thần, Đồng Đen cùng đồng đội đã gây bao phen bạt vía, kinh hoàng cho quân địch, lập nên nhiều chiến công huyền thoại.

Có giai thoại rằng, đêm đầu mùa thu năm 1966, Đồng Đen cùng một trinh sát đột nhập vào sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị trận đánh của đơn vị và các lực lượng phối hợp, nhưng đêm đó địch lùng bố vòng ngoài, vòng trong sân bay rất nhiều lần. Lũ chó becgie đánh hơi sủa rất dữ. Trước nguy cơ bị phát hiện, Đồng Đen cùng anh trinh sát đã nhanh trí lặn xuống mương nước. Mất hơi, lũ chó đành cúp đuôi quay đầu. 

Nhưng trời đã gần sáng, không thể ra ngoài được, tiến thoái lưỡng nan, Đồng Đen đã mạo hiểm nhưng rất tài tình và dũng cảm: Anh cùng người đồng đội đột nhập căn nhà một sĩ quan kỹ thuật không quân. Bị đánh thức lúc rạng sáng, viên sĩ quan ngồi xuống ghế theo yêu cầu của Đồng Đen. Bằng giọng đanh thép, Đồng Đen nói: “Tôi là Đồng Đen, biệt động Sài Gòn. Chúng tôi vào mà không ra được, yêu cầu ông đưa chúng tôi ra khỏi đây, sau này kháng chiến thành công, cách mạng sẽ ghi công ông. Nếu ông có những tính toán khác thì chúng tôi sẽ quyết tử, mạng ông cũng không được bảo toàn”. Viên sĩ quan nhanh nhảu nói: “Nghe danh ông đã lâu, nay hân hạnh được gặp nhưng lại gặp trong hoàn cảnh trớ trêu này. Tuy rất khó nhưng tôi sẽ giúp các ông rời khỏi đây một cách an toàn”. Nói rồi viên sĩ quan đưa đồ cho hai anh thay, rồi nổ máy chiếc xe ô-tô riêng, đưa Đồng Đen và anh trinh sát rời sân bay với kịch bản “đưa chiến hữu đi ăn sáng”. Viên sĩ quan đã nhanh chóng qua các chốt kiểm soát, đưa Đồng Đen và đồng đội ra vùng ven huyện Hóc Môn để về cứ. 

2/Nói về tinh thần mưu trí và dũng cảm thì Đồng Đen bản lĩnh có thừa. Những chiến công của anh và đồng đội đã trở thành huyền thoại. Theo lịch sử đấu tranh cách mạng của xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) thì từ tháng 8-1958 đến lúc hy sinh, Đồng Đen liên tục hoạt động trong nội thành Sài Gòn với phiên hiệu Biệt động Sài Gòn. Anh đã nhiều lần đi trinh sát, phục vụ cho các đơn vị pháo binh của ta đánh thẳng vào các cơ quan quân sự của địch như trận pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất (lần thứ nhất), phá hủy 65 máy bay và một kho xăng, diệt 200 tên địch. Trận tập kích bãi xe quân sự ở ngã tư Bảy Hiền, phá hủy 98 xe, diệt 100 tên địch. Trận này một mình Đồng Đen làm tiền trạm trinh sát khoảng ba tiếng đồng hồ. Trước khi rời vùng nguy hiểm, anh đã vẽ tường tận sơ đồ bãi xe và hoạt động của địch trong trí nhớ để rồi anh cùng đơn vị lập nên kỳ tích lẫy lừng như nói trên.

Đặc biệt, trận tập kích sân bay Tân Sơn Nhất lần thứ hai vào ngày 21-11-1966, là cán bộ tiểu đoàn, đồng chí Đồng Đen trực tiếp dẫn một tổ trinh sát nắm tình hình địch trong sân bay, chuẩn bị trận đánh. Đột nhập vào trong, lợi dụng địa hình địa vật, Đồng Đen cùng lực lượng trinh sát ém quân sau nửa đêm, chịu trận kiến, muỗi đốt sần người. Khi kim đồng hồ chỉ đúng 2 giờ 30 phút sáng, Đồng Đen chỉ huy đơn vị phối hợp với các đơn vị khác tổ chức trận đánh bằng thủ pháo và các loại súng liên thanh. Chiến thuật xuất thần, chớp nhoáng, điểm xạ thủ pháo chính xác các mục tiêu đã khiến quân địch thất kinh hồn vía và náo loạn. Khắp trận địa sân bay lửa cháy ngút trời, tiếng súng đôi bên rền vang kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Kết quả lực lượng ta đã phá hủy ba kho xăng, 74 máy bay, diệt 1.000 tên địch. Quân ta đã bảo toàn lực lượng, rút về cứ an toàn. Chiến công đặc biệt xuất sắc trên một lần nữa đã giáng tiếp những đòn sấm sét, kinh hoàng cho quân địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề, làm nao núng tinh thần, giảm sút nghiêm trọng nhuệ khí chiến đấu của chúng.

3/Với tinh thần vì nước quên thân, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Đồng Đen cùng đồng đội tiếp tục lập nên những chiến công mới, góp phần vào thắng lợi của cách mạng sau này. Trận đánh mà người chiến sĩ biệt động Sài Gòn ưu tú đã vĩnh viễn hiến thân cho Tổ quốc là vào sẩm tối ngày 26-9-1967. Hôm ấy, anh cùng hai chiến sĩ rời căn cứ, xuống cơ sở nắm tình hình, lưu trốn trong hầm bí mật, địch phát hiện và ném lựu đạn xuống hầm làm hai đồng đội hy sinh. Tuy đã bị thương nhưng Đồng Đen vẫn tung nắp hầm, xông lên, dùng súng ngắn và lựu đạn tiến công quân địch, diệt 11 tên. Cuộc chạm trán bất ngờ và anh dũng của người chiến sĩ biệt động quả cảm đã làm cho quân địch hoảng loạn. Sau đó, địch đã bao vây, bắn xối xả vào vị trí Đồng Đen đang ẩn núp và chống trả. Đồng chí Đồng Đen đã anh dũng hy sinh. Lúc này anh là Thượng úy, Cụm trưởng biệt động Sài Gòn.

Ngày 6-11-1978, đồng chí Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen) được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngưỡng mộ người Anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, một con đường ở phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã được mang tên ông: Đồng Đen. 

Trong quá trình chiến đấu và công tác, đồng chí Đồng Đen đã được tặng thưởng một Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, một Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, hai Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, tám lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua.