Hồi ức của Ted

Ted Englemann, người cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm và đưa cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Mỹ về với gia đình. Ông còn là một nhà sử học, một nhiếp ảnh gia có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Vừa qua, trong chuyến đến thăm Hà Nội, ông chia sẻ với Thời Nay cảm nhận về sự thay đổi rõ rệt tại đây.

Gia đình bác sĩ Trâm đến Mỹ nhận cuốn nhật ký.
Gia đình bác sĩ Trâm đến Mỹ nhận cuốn nhật ký.

“Tìm Trâm”

Ted Englemann đến từ Denver (Mỹ) là người có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Ted nhớ lại mình đã gặp Fred Whitehurst, là người nhặt được cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ trong chiến tranh và đã giữ suốt hàng chục năm trời. Sau khi nghe câu chuyện của Fred, tháng 4-2005, Ted đến Hà Nội với chiếc đĩa CD, trong đó có nhiều bức ảnh và nội dung scan của một cuốn sách tiếng Việt mà khi đó ông còn chưa rõ là gì.

Ông đưa chiếc đĩa CD cho một người bạn Việt Nam tìm hiểu. Sau đó mới biết rằng bản scan chứa nội dung hai cuốn nhật ký của một bác sĩ Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh. Người bạn của Ted đọc cuốn nhật ký và đánh máy lại. “Sau đó một thời gian, cô nói rằng có một gia đình muốn gặp tôi”, Ted nhớ lại. Đó là mẹ và các chị em của bác sĩ Trâm. Ted là cựu chiến binh Mỹ đầu tiên đến gặp gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để trao lại chiếc đĩa CD chứa bản sao cuốn nhật ký và cùng chia sẻ với họ khi vỡ òa cảm xúc trước những dòng chữ của con gái mình.

Cũng cuối năm đó, ông cùng gia đình bác sĩ Trâm đến Texas nơi lưu giữ bản chính để tận tay lật giở từng trang cuốn nhật ký ghi lại những suy nghĩ về cuộc sống và lý tưởng của nữ bác sĩ trước khi hy sinh ở Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1970 lúc mới 27 tuổi. “Đó là những nét chữ viết tay rất đẹp, gia đình Trâm sau 35 năm mới được nhìn lại cuốn nhật ký của con gái, chị em gái của họ. Tôi thấy những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt người mẹ mất con đã tìm lại được con gái mình ở phương xa”, Ted nhớ lại. Ít lâu sau đó, Ted đi cùng gia đình bác sĩ Trâm trở lại Đức Phổ. Trong chuyến đi đó, ông đã gặp gỡ và chụp nhiều bức ảnh về mảnh đất và con người nơi đây. Hành trình mà Ted đặt tên là “Tìm Trâm” cũng giúp những con người ở hai nửa Trái đất trở thành bạn bè gắn bó với nhau.

Lần đầu tiên khi đọc hiểu cuốn nhật ký để lại cho Ted ấn tượng và cảm xúc ở nhiều cấp độ, từ bỡ ngỡ, sáng tỏ cho tới thấm thía... “Có một sợi dây liên hệ rất rõ ràng khi tôi và cô ấy cùng tham gia chiến tranh ở cùng một thời điểm. Những điều bác sĩ Trâm viết cho thấy sự sáng suốt, trình độ học vấn, sự thông minh và cống hiến của cô ấy đều quá đỗi sâu sắc, trong khi tôi ở thời điểm đó còn hời hợt và non trẻ, không hiểu biết nhiều”, Ted chia sẻ. Cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ gây tiếng vang ở Việt Nam, mà cũng được đón nhận khi được nhà xuất bản Random House phát hành bằng tiếng Anh tại Mỹ.

Năm 18 tuổi, Ted tham gia không quân Mỹ và ba năm sau được cử đến Việt Nam tại căn cứ Biên Hòa từ tháng 3-1968 đến tháng 3-1969. Khi đó ông 21 tuổi, già dặn hơn so các binh sĩ khác thường mới chỉ 18, 19 tuổi, song Ted vẫn nhận thấy sự chênh lệch rõ ràng trong suy nghĩ của mình với bác sĩ Trâm: “Tôi luôn so sánh mình với những khó khăn quá lớn của cô ấy và nhận ra tôi hời hợt còn cô ấy quá mạnh mẽ, thông minh và biết cách quan tâm”. Những suy nghĩ này khiến ông cảm động và thấu hiểu sự mất mát của gia đình bác sĩ. Ted nói rằng, sau khi đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm, ông cũng hiểu cả tinh thần đấu tranh cho chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Sau này, mỗi lần trở lại Việt Nam ông đều đến chụp ảnh tượng bác sĩ Đặng Thùy Trâm đặt tại Trường Bưởi (THPT Chu Văn An).

Chụp ảnh để vượt qua ký ức chiến tranh

Cha của Ted là một nhà báo nhiếp ảnh nên ông đã học được nhiều kỹ thuật in ấn từ nhỏ. Dù không muốn nhưng khi được cử đến Việt Nam, ông mang theo một chiếc máy ảnh phim trong túi để chụp ảnh trong khi làm việc. Ted chụp khi đang lái xe, chụp khi ở trên máy bay... Ông chỉ cho chúng tôi bức ảnh chụp một khoảng rừng xanh tốt từ trên máy bay, đó là tấm ảnh chụp trước khi họ rải chất độc da cam xuống bên dưới. Những bức ảnh này về sau được dùng như bằng chứng về việc rải chất độc da cam ở Việt Nam. Ông cũng tham gia các đoàn cựu chiến binh Mỹ và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam trong hành trình đi tìm công lý.

Nỗi ám ảnh và băn khoăn về chiến tranh của ông vẫn chưa nguôi ngoai. Dù rất cởi mở khi kể về thời gian tham chiến ở Việt Nam, song khi được hỏi điều gì tồi tệ nhất trong một năm đó, Ted lặng người không trả lời và xin giữ làm bí mật cho riêng mình. Ông nói rằng chưa bao giờ hết hối hận vì những sai lầm tuổi trẻ, đó là những ký ức đau lòng và không dễ vượt qua. Bởi vậy, nhiều năm qua, Ted đã đi tới nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm câu trả lời về sự phi lý của cuộc chiến. Tháng 2-1989, lần đầu ông trở lại Việt Nam sau chiến tranh, khi đó không nhiều cựu chiến binh Mỹ vượt qua được chấn thương tâm lý và dám trở lại chiến trường xưa như thế. Vẫn với chiếc máy ảnh trên tay, ông đi khắp các miền, chụp ảnh để nhắc nhở bản thân rằng đất nước này cũng đang vượt qua ký ức đau buồn và đứng lên.

“Những người bạn Việt Nam đã cởi mở và chấp nhận, tha thứ cho chúng tôi - những cựu chiến binh Mỹ. Qua mỗi tấm ảnh, tôi cũng chụp được nhiều thay đổi ở mảnh đất và cả con người nơi đây. Thật vậy, Việt Nam là một đất nước sôi động, duyên dáng và bao dung”, đó là những thông điệp mà Ted luôn truyền tải tới những độc giả và các nhà nghiên cứu khác khi có cơ hội. Những tấm ảnh và các bài viết của Ted Englemann đã được công bố tại các hội thảo chuyên đề, một số cuộc triển lãm, và hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ Việt Nam tại Trường đại học công nghệ Texas (Mỹ). Đây là kho lưu trữ về chiến tranh Việt Nam lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Thư viện Quốc gia Mỹ tại Washington.

Hiện Ted đã trở về Mỹ để chuẩn bị cho kỳ nghỉ đón năm mới. Tại Denver, ông đi dạo mỗi ngày trong công viên và suy nghĩ về cuốn sách sắp xuất bản. Ông nói rất nhớ Việt Nam, nhớ sức sống và sự bình yên nơi đây. Sự đóng góp của những người vừa là nhân chứng, vừa là người nghiên cứu sử học như Ted Engelmann đang củng cố cây cầu nối hai bờ Đông - Tây, đưa hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam ra với thế giới.