­­­­Kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I.Lenin (22-4-1870 - 22-4-2020)

Học tập Lenin về đổi mới bộ máy nhà nước và công tác cán bộ

Những luận điểm của V.I.Lenin về xây dựng Nhà nước và công tác tuyển chọn cán bộ vẫn có giá trị và ý nghĩa để chúng ta tham khảo vận dụng vào việc cải tiến, nâng cao chất lượng của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay.

Lãnh tụ Vladimir Lenin diễn thuyết trước đông đảo quần chúng nhân dân Nga. Ảnh: tư liệu
Lãnh tụ Vladimir Lenin diễn thuyết trước đông đảo quần chúng nhân dân Nga. Ảnh: tư liệu

Xây dựng bộ máy nhà nước mạnh mẽ và đội ngũ cán bộ theo phương châm “Thà ít mà tốt”

Sau Cách mạng Tháng Mười 1917, Chính quyền Xô-viết được thiết lập, Đảng Cộng sản B - Bolshevik (Bôn-sê-vích) Nga trở thành đảng cầm quyền phải đối mặt giải quyết những nhiệm vụ mới mẻ và phức tạp: Thiết lập và củng cố Chính quyền Xô-viết, tổ chức việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Để làm được những điều đó, Lenin khẳng định nhiệm vụ trung tâm là tổ chức và quản lý Nhà nước. Đầu năm 1923, mặc dù sức khỏe không được tốt, Lenin vẫn dành thời gian và sức lực chỉ đạo việc chuẩn bị các nội dung của Đại hội Đảng Cộng sản (B) Nga lần thứ 12 qua “Thư gửi Đại hội”, nhấn mạnh những vấn đề tổ chức cần được bàn bạc, thảo luận và giải quyết.

Bộ máy Nhà nước Xô-viết khi đó còn mang nhiều dấu tích của quá khứ là nền sản xuất nhỏ, tính bảo thủ, thói quen lạc hậu... Trừ Bộ dân ủy Ngoại giao, Nhà nước Xô-viết còn rất nhiều tàn dư của bộ máy cũ, cách làm việc cũ và chưa được sửa đổi một cách đáng kể. Lenin nhấn mạnh điều “cực kỳ cấp bách” là bộ máy nhà nước đó phải được cải tiến. Trong quá trình cải tiến bộ máy Nhà nước Xô-viết, Lenin đã chọn điểm trọng tâm là cải tổ Bộ dân ủy thanh tra công nông. Những luận điểm của Người về vấn đề này được thể hiện trong tác phẩm ngắn gọn, súc tích “Chúng ta phải cải tạo Bộ dân ủy thanh tra công nông như thế nào ?” - tác phẩm này được viết dưới dạng một bài báo, được Người đọc cho ghi từ ngày 19 đến ngày 23-1-1923. Bài báo của Lenin là những chỉ dẫn quan trọng, là cơ sở để Đảng Cộng sản (B) Nga soạn thảo và ra các Nghị quyết về tổ chức tại Đại hội XII, mặc dù có những ý kiến phản đối. Những luận điểm của Lê-nin là cơ sở để Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó xây dựng và thực hiện kế hoạch cải cách nâng cao một cách căn bản chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng trên cơ sở sáp nhập công tác kiểm tra của Đảng với công tác kiểm tra của Nhà nước. Sau đó những luận điểm về cải tổ và xây dựng bộ máy Nhà nước Xô-viết của Lenin còn được tiếp tục phát triển trong bài báo “Thà ít mà tốt” viết sau đó ít lâu, được báo Pravda (Sự thật) công bố trong số 49, ngày 4-3-1923.

Sau hai năm thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP), nước Nga Xô-viết đã có nhiều tiến bộ. Tuy vậy, bằng sự phân tích và đánh giá về thực trạng bộ máy của Bộ dân ủy thanh tra công nông, Lenin đã nhìn thấy những yếu kém chung của bộ máy Nhà nước Xô-viết lúc đó. Mà theo Lenin, sự yếu kém đó là kết quả của một quá trình cải tiến bộ máy không hiệu quả. Người không che giấu hay xuê xoa với những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy Nhà nước Xô-viết, dù lúc đó các nước đế quốc đang tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc bản chất chính quyền mới của nhân dân. Đây là sự thừa nhận rất dũng cảm, rất cách mạng mà về sau chính những người “nhận là cộng sản” không có được. Nguyên nhân thiếu khách quan và chậm sửa chữa khuyết điểm đã dẫn đến sự sụp đổ của cả một mô hình chế độ trong những năm cuối thế kỷ 20.

Từ thực trạng của Nhà nước Xô-viết và những yêu cầu to lớn đối với Nhà nước Xô-viết trong giai đoạn mới, Lenin nhấn mạnh rằng: “Phải tỉnh ngộ nhanh”, phải chỉnh đốn Nhà nước một cách nghiêm túc để làm cho Nhà nước Xô-viết có bộ máy hoạt động hiệu quả với những viên chức có chất lượng cao. Người chỉ rõ rằng: Một bộ máy Nhà nước mạnh mẽ không phải do số lượng và quy mô mà chủ yếu do chất lượng hoạt động của nó. Nhân viên của bộ máy đó phải có chất lượng cao và thật sự gương mẫu. Lenin xác định rõ rằng cải tổ bộ máy Nhà nước cần phải có thời gian nhưng đồng thời lại phải làm ngay từng bước, sẽ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Người yêu cầu bộ máy Nhà nước phải được tổ chức một cách hợp lý, không có bộ phận thừa, bộ phận thiếu, chồng chéo, trùng lặp về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ phận. Trong vấn đề tuyển dụng, Lenin nhấn mạnh: “... cần phải tỏ ra đặc biệt keo cú về mặt số lượng”(1). Người đã nêu tóm tắt và khái quát những giải pháp chủ yếu và cụ thể để cải tổ bộ máy Nhà nước bằng một phương châm ngắn gọn: “Thà ít mà tốt”. Trước hết cần nắm chắc và đúng về thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức, cán bộ trong các cơ quan Nhà nước gắn với các chức năng nhiệm vụ của nó. Phải chọn lựa và đào tạo được những nhân viên Nhà nước có chất lượng cao, có đủ tín nhiệm trước nhân dân. Trong việc lựa chọn cán bộ, phải lập những tiểu ban chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình cho những kỳ thi tuyển cán bộ vào làm việc trong bộ máy Nhà nước.

Lenin rất coi trọng việc thi tuyển. Cán bộ phải qua các kỳ sát hạch, phải được nhiều đảng viên giới thiệu, phải thẩm tra, lựa chọn cẩn thận, trước khi được tiếp nhận. Khi đã tiếp nhận còn phải có kế hoạch đào tạo cán bộ Nhà nước một cách cơ bản, có hệ thống, trong đó phải gắn lý thuyết cơ bản với việc huấn luyện nghiệp vụ, gắn lý luận với thực tiễn. Và quan trọng hơn là phải làm sao để học thức “không nằm ở trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt” mà sự am hiểu và những hành động có hiểu biết phải trở thành thói quen, trở thành tập quán văn hóa vững chắc và lâu dài “phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống”. Một lần nữa Lenin nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ tri thức và lý luận của riêng mình cũng như của cả tổ chức đảng nói chung.

Lenin còn coi công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò rất quan trọng trong việc chấn chỉnh những hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trong công tác quản lý Nhà nước, nội dung thanh tra phải được quan tâm và được coi là một nội dung cơ bản để quản lý, giám sát quyền lực cũng như đánh giá sự đúng đắn của đường lối. Không được thỏa mãn, chủ quan với các quyết định mà phải thường xuyên kiểm tra lại tính đúng đắn của các quyết định đó.

Những giá trị trong thực tiễn hôm nay

Đã gần một thế kỷ trôi qua sau những chữ ngắn gọn mà đầy ý nghĩa của Lenin - “Thà ít mà tốt”. Những chỉ dẫn của Người vẫn sống động khi chúng ta đang cố gắng cải cách bộ máy hành chính.

Tổ chức bộ máy của chúng ta hôm nay nhiều nơi còn cồng kềnh, chưa tinh gọn, vẫn còn nhiều yếu kém, có nơi, có lúc còn gây bức xúc trong xã hội. Cơ chế chính sách chậm được rà soát và sửa đổi, bổ sung, nhiều chỗ đã trở thành lạc hậu. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực (nhất là những lĩnh vực “nhạy cảm” như đất đai, nhà cửa, đầu tư...) còn phức tạp, còn “lỗ hổng”, tạo điều kiện cho những tệ nạn nhũng nhiễu, tham nhũng phát triển. Một bộ phận công chức thiếu trách nhiệm, chưa được đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực…

Tất cả những yếu kém đó cần được khắc phục, sửa chữa. Chúng ta vẫn đang thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính với mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, các ngành và chính quyền các cấp trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, với việc cải tiến bộ máy là cải tiến chế độ công vụ, chế độ tài chính công, thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong các hoạt động, xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các hoạt động của bộ máy. Một trong những nhiệm vụ được nhấn mạnh là kiên quyết tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương... Những chỉ dẫn của Lenin về xây dựng và giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước, về công tác tuyển chọn cán bộ vẫn mang những giá trị sâu sắc đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Không chỉ có ý nghĩa lớn trong chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn Nhà nước mà phương châm “Thà ít mà tốt” còn có nhiều ý nghĩa với việc củng cố, kiện toàn các tổ chức, các cơ quan khác trong hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay. Những chỉ dẫn của Lenin có tính khái quát, vẫn mang nhiều giá trị định hướng trong việc xác định, cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ và lựa chọn cán bộ cho các ngành, các lĩnh vực.

1 - Các câu và đoạn trích trong bài dẫn từ tác phẩm “Thà ít mà tốt” - V.I.Lenin - Toàn tập - Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tập 45, tr. 442 - 460.