Đùm bọc từ nguồn cội

Huyền thoại Tiên - Rồng kể với người hôm qua, hôm nay về ý nghĩa thiêng liêng của sự đoàn kết, đùm bọc qua hình tượng chiếc bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Một nửa trong số đó theo cha về phía biển. Một nửa theo mẹ lên non. Tạm chia tay và rời xa, điều này có gợi mở gì cho sự đoàn tụ?

Hội đền Hùng xưa. Ảnh tư liệu
Hội đền Hùng xưa. Ảnh tư liệu

Cuộc chia tay vĩ đại đó, có lẽ như mong muốn mà ông cha ta sáng tác nên truyền thuyết xưa đã gửi gắm: là tượng trưng của hành trình khai khẩn, mở mang bờ cõi và ra sức bảo vệ cho vẹn toàn nước non thuở ấy, sau này. Bởi vậy, chia tay, ra đi khai phá, gây dựng cũng chính là kết nên vòng tròn những cánh tay bao bọc lấy đất - nước từ mọi phía. Chia tay để gây dựng nên truyền thống đoàn kết muôn đời. Chia tay cũng chính là hội ngộ lâu bền trong trách nhiệm chung với cộng đồng dân tộc. Và sự ra đời nhà nước Văn Lang với hình tượng Vua Hùng, mang tinh thần quy tụ sức mạnh cộng đồng dân cư buổi sơ khai, quy tụ cả sức mạnh thiên nhiên thuở hồng hoang, cũng chính là sự đáp ứng và nuôi dưỡng nguyện vọng đoàn kết cộng đồng, dân tộc.

Từ trong huyền thoại, những ý nghĩa cao cả đó thấm vào sự khởi sinh, phát triển dòng chảy văn hóa dân tộc. Để không chỉ đến ngày nay, mà đã qua bao thế kỷ bình yên và bão táp, nhắc đến tín ngưỡng thờ Vua Hùng, kể cho nhau những truyền thuyết đẹp đẽ trải các đời Vua Hùng dựng nước, giữ nước - chuyện “Trăm trứng nở trăm con”, “Bánh chưng bánh dầy”, “Thánh Gióng”, “Chử Đồng Tử - Tiên Dung”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”…, chính là chúng ta đã, đang tôn vinh truyền thống đoàn kết, đùm bọc từ tháng năm nào sơ khởi nghĩa đồng bào, tình non nước.

Truyền thống đoàn kết, đùm bọc từ cội nguồn đã liên tục được bồi đắp và phát huy mạnh mẽ qua các thời kỳ lịch sử dân tộc. Sự đoàn kết, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau, tình tương thân tương ái… tiếp sức cho đồng bào ta vượt lên thách thức từ thiên nhiên, vững vàng trước sóng gió đe dọa của giặc ngoài, đẩy lùi những nguy cơ phá hoại của thù trong, và góp phần hàn gắn những thương đau, rạn nứt qua thăng trầm lịch sử.

Cả trong thực tại, khi không gian văn hóa, không gian vật chất của đời sống toàn dân đã có rất nhiều thay đổi; sự đối diện, đối đầu của con người hôm nay không còn là với rừng hoang, thú dữ, là các thế lực phong kiến ngoại bang, thì truyền thống quý báu vẫn thổi luồng sinh khí vào những chuyển động đương đại. Sự nhắc gọi về tình nghĩa người dân một nước, anh em cùng một bọc tạo nên mối dây hỗ trợ, chăm lo cho nhau giữa người miền núi, miền xuôi, đồng bằng, miền biển, giữa các địa phương, vùng miền; giữa người Việt Nam trong nước với kiều bào ở nước ngoài; giữa các thành phần xã hội, trong các lĩnh vực, ngành nghề, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh.

Di sản từ tín ngưỡng lâu đời, huyền thoại thiêng liêng và dòng chảy văn hóa luôn thắp lửa cùng đất nước. Trong gian khó, nguy nan của bối cảnh mới ngày càng nhiều biến động, ngọn lửa ấy vẫn tỏa sáng.