Đi tìm “cô Tâm Kính” trong Sắc lệnh 39 năm 1945

Dòng chữ “Cô Tâm Kính, đại biểu của Phụ nữ Cứu quốc” trong Sắc lệnh số 39 năm 1945 khiến tôi hết sức chú ý đến con người này. Càng phải chú ý hơn khi thấy chỉ hơn hai tháng sau, trong Sắc lệnh số 78 về việc thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, tên “cô Tâm Kính” xuất hiện một lần nữa qua nét bút mực được ghi bổ sung cùng bà Vĩnh Thụy. “Cô Tâm Kính” là ai?

Bà Tâm Kính (thứ 3 từ phải sang) cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam (1949).
Bà Tâm Kính (thứ 3 từ phải sang) cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam (1949).

Người phụ nữ tân tiến viết báo tiếng Pháp

Trong Sắc lệnh số 39 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 26-9-1945, Ủy ban Dự thảo Thể lệ Tổng tuyển gồm chín thành viên và “cô Tâm Kính” là đại diện phụ nữ duy nhất. Những thành viên còn lại có thể kể tới như Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Đình Hòe, ông Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà…

Trong một dịp trò chuyện cùng nhà văn Thanh Hương, nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam tôi đã hỏi và thật bất ngờ khi bà Thanh Hương biết về “cô Tâm Kính”. Nhà văn Thanh Hương cũng cho biết, người bạn thân của bà Tâm Kính là bà Như Quỳnh, Tổng Biên tập đầu tiên báo Phụ nữ Việt Nam. Hằng năm bà Như Quỳnh vẫn từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nghỉ an dưỡng theo tiêu chuẩn cán bộ lão thành cách mạng. Khi bà Như Quỳnh ra, bà Thanh Hương liền gọi điện báo cho tôi biết. 

Nhờ thế, tôi được gặp bà Như Quỳnh tại Nhà nghỉ lão thành cách mạng Đại Lải (Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) một chiều cách đây vài năm. Cụ bà phúc hậu lúc ấy đã ngoài 90 tuổi, mái tóc bạc trắng như những lớp sóng xếp chồng gối lên nhau. Với giọng Nam Bộ ấm, dễ nghe, bà Như Quỳnh kể cho tôi ghi lại: 

“Chị Tâm Kính học Trường Albert Sarraut, sử dụng thạo tiếng Pháp. Chị tham gia Phong trào Mặt trận Bình dân 1936 - 1939. Lúc bấy giờ không phải làm báo như bây giờ, mà làm báo thì phải làm kèm thêm công việc của một người cán bộ. Chẳng hạn như khi anh Trịnh Văn Phú, anh Khuất Duy Tiến ra ứng cử nghị viên hội đồng thành phố thì phải đi biểu tình để vận động. Chị Tâm Kính khoác tay hai anh hai bên trong những cuộc vận động ấy. Bấy giờ, một người con gái mà có những cử chỉ như thế tức là rất tân tiến, trước đó phụ nữ không có khoác tay đàn ông đi như thế”.

Bà Như Quỳnh cho biết, bà Tâm Kính làm ở báo Le Travail (Lao động), có ông Võ Nguyên Giáp và ông Bùi Lâm ở tòa soạn. Ban đầu bà chỉ làm nhiệm vụ sửa bài. “Dần dần, các anh dạy chị viết báo bằng tiếng Pháp và dạy cả làm báo, thành ra chị biết nghề làm báo. Năm 1974, chị Tâm Kính từ trong Nam ra dự Đại hội Phụ nữ Toàn quốc, khi đến thăm anh Võ Nguyên Giáp, anh còn để sẵn một tập báo Le Travail và cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm báo tiếng Pháp thời Phong trào Mặt trận Bình dân”. 

Theo lời bà Như Quỳnh kể lại, báo Phụ nữ Việt Nam những số đầu bà chưa có mặt. Những phóng viên từ số ra đầu tiên còn bà Tâm Trung (sau là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới) và bà Nguyệt Tú (sau là Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ). Mãi tháng 9-1949 bà Như Quỳnh mới từ báo Cứu Quốc Khu 3 ở Thái Bình lên Việt Bắc làm báo Phụ nữ Việt Nam. Hai chị em gặp lại nhau, lúc này bà Tâm Kính mang bí danh mới: Bội Hoàn. 

Trong hồi ức, nhà văn Nguyệt Tú nhớ lại, ngày 19-8-1948, tờ báo Phụ nữ Việt Nam số đầu tiên ra đời. Bà Lê Thị Xuyến làm Chủ nhiệm, bà Tâm Kính là Tổng Biên tập. “Tờ báo khổ nhỏ chỉ lớn hơn quyển vở học sinh một chút. Trang đầu đăng bức thư tay của Bác Hồ, dưới có chữ ký của Bác. Trang sau in bài xã luận của chị Hoàng Ngân, Bí thư Ban Phu vận Bắc Bộ”. Phần văn nghệ có thơ, ca dao, truyện rất ngắn do bà Vân Đài và bà Anh Thơ phụ trách. Bà Nguyệt Tú và bà Tâm Trung phụ trách mục phóng sự Trên những nẻo đường kháng chiến. Hai số báo đầu tiên, bà Nguyệt Tú và bà Tâm Trung đưa bản thảo đến nhà in. 

Nhà văn Nguyệt Tú còn kể thêm: “Chị Tâm Kính bảo tôi: - Các em về ấp Đồi Cháy ở Nhã Nam mời anh Mai Văn Hiến minh họa cho báo”. 

Nhận nhiệm vụ, bà Nguyệt Tú đã ôm một sấp bài đi bộ 60 cây số từ Đại Từ qua con đường Quảng Nạp đến tỉnh lỵ Thái Nguyên rồi đi dọc kênh thủy lợi tới Nhã Nam, đến ấp Đồi Cháy là nơi các văn nghệ sĩ tập trung. Sau đó, các họa sĩ Mai Văn Hiến và Tạ Thúc Bình đã trình bày và minh họa giúp tờ báo. 

Tờ báo chỉ ra một số

Đó là tên bài viết của bà Tâm Kính trong sách “Một thời làm báo” (tập 2), Hồi ký của các nhà báo cao tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học, 2004. Bà Tâm Kính kể lại khi Hà Nội bước vào nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945, một hôm bà Đào Phi Nhung đến rủ đi gặp nhà thơ Vân Đài ở Sài Gòn mới ra bàn nhau lập “tổ cứu đói”. 

“Tổ cứu đói” có tám người, trước hết là lo cho trẻ em không cha, không mẹ. Tổ đã cử người đi xin tiền, người đi xin gạo, cố gắng trong một ngày sắp xếp chỗ ăn, chỗ ngủ đơn giản cho trẻ em qua nạn đói. Hai bà Vân Đài và Tâm Kính còn bàn cùng nhau ra một tờ báo riêng cho phụ nữ, lấy tên là Phụ nữ mới. Chủ nhiệm là bà Vân Đài, chủ bút là bà Tâm Kính lo bài vở cho tờ báo và in ấn sao cho xứng đáng với cái tên Phụ nữ mới

Nhờ có liên lạc với cán bộ cách mạng, cứ nửa tháng cô sinh viên Đại học Luật khoa Tâm Kính lại nhận được những báo của vùng giải phóng như Cứu quốc, Độc lập, kể cả những tin rất mới về các bước phản công của Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ (phe Đồng Minh), bà Tâm Kính đã tóm tắt những tin vui từ Việt Bắc chuyển về đưa vào báo Phụ nữ mới. Trong đó có cả tin cách mạng tổ chức “phá các kho thóc như ở Tuyên Quang, Thái Nguyên…”.

Cuối tháng 1-1945, tờ báo đã sửa morasse cả bốn trang báo, trình bày rất gọn dù chưa có hình ảnh gì. Đầu tháng 2, bà Vân Đài và bà Tâm Kính lên coi lần cuối rồi ký giấy cho in Phụ nữ mới

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính thực dân Pháp. Khoảng 2 giờ sáng 10-3-1945, một tiểu đội lính Nhật đến vây nhà, tịch thu báo, bắt bà Vân Đài đưa sang nhà giam Hỏa Lò. Tên chỉ huy nói: “Tờ báo này đã nói xấu người Nhật, bỏ tù đáng không?”. Bà Tâm Kính bị đem đi giam tại nhà dầu Shell trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Đến ngày 17-8-1945, Việt Minh đến mở cổng nhà dầu Shell, bà Tâm Kính được tự do.

Người nghiên cứu kế hoạch kiến thiết

Nước nhà độc lập, bà Tâm Kính tham gia Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc lâm thời, làm Chủ bút tờ Tiếng gọi Phụ nữ, tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa I (1946)… Người phụ nữ tân tiến này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm thành viên Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết (ban đầu gồm 40 người) tại Sắc lệnh số 78 ngày 31-12-1945. 

Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết có nhiệm vụ: Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ. Ủy ban đặt dưới quyền điều khiển của Chủ tịch Chính phủ và có quyền giao thiệp với tất cả các Bộ và các công sở để thu thập tài liệu. 

Những trí thức cũ của Nam triều tham gia Ủy ban có cụ Bùi Bằng Đoàn. Cựu Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim tham gia Ủy ban có: Luật sư Phan Anh, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Vũ Văn Hiền, Bác sĩ Hồ Tá Khanh, Bác sĩ Trần Đình Nam. Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời tham gia Ủy ban gồm: Cù Huy Cận - Bộ trưởng Bộ Canh nông, Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Bộ Tài chính, Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyễn Mạnh Hà - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Giáo dục… Hai thành viên nữ trong Ủy ban là cô Tâm Kính và bà Vĩnh Thụy (tức Hoàng hậu Nam Phương, tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan)…

Nhớ về người chị đồng nghiệp dìu dắt, hướng dẫn mình viết báo từ những ngày đầu, bà Như Quỳnh chia sẻ: “Tôi lên Việt Bắc nhận làm tờ báo Phụ nữ Việt Nam với Tâm Kính, chị đổi tên thành Bội Hoàn, không lấy tên Tâm Kính nữa. Làm ở báo được một thời gian, chị tham gia đoàn đại biểu đi Hội nghị phụ nữ Á châu. Đi Hội nghị về, cần cán bộ bổ sung cho miền Nam, chị vào miền Nam. Chị có thời gian làm Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng. Những nơi gian khổ chị Bội Hoàn đều đi cả để xây dựng cơ sở”. 

Bà Tâm Kính (1920 - 2008) tên khai sinh là Trần Thị Trắc, tên thường dùng là Bội Hoàn và Lê Thị Thu, sinh ngày 30-9-1920. Quê tại thôn Đông Đạo, xã Đồng Tâm, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). 

Tháng 1-1947 bà được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và làm Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam (1950 - 1958). Từ năm 1951 bà vào Nam Bộ công tác tại Trung ương Cục miền Nam và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Quyền Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng (1952 - 1954), Chánh Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam (1964). Tháng 10-1974, bà được cử vào Ban sử Phụ nữ Trung ương, sưu tầm tư liệu và viết xong bộ Lịch sử phong trào Phụ nữ Việt Nam...