Chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng

Năm 2021 - năm đầu của nhiệm kỳ mới và cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với khí thế vươn lên của năm 2020 và thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng, vận hội mới cho đất nước đang rộng mở. 

Nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa tạo điều kiện cho người dân. Ảnh: TRẦN HẢI
Nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa tạo điều kiện cho người dân. Ảnh: TRẦN HẢI

Sức mạnh dân tộc

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cứ mỗi lần sau một biến cố, dân tộc Việt lại trỗi dậy mạnh mẽ và thần kỳ hơn trước. Nó giống như chiếc lò xo, càng nén chặt càng vùng lên mạnh mẽ. Ý chí đó đã giúp cha ông ta chiến thắng giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong hàng nghìn năm. Trong công cuộc kiến quốc, sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá và bị cấm vận, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã vận dụng sáng tạo các nhân tố trong và ngoài nước để đưa đất nước vượt qua đói nghèo, xây dựng được đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đúng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Năm 2020, thế giới chứng kiến nhiều biến cố lớn. Sự bất ổn của tình hình chính trị tại một số nước và khu vực, thiên tai, dịch Covid-19 hoành hành đã tàn phá khốc liệt nền kinh tế thế giới. Sự hoảng loạn về dịch bệnh dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn bị ngưng trệ. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương cho dù chúng ta phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của dịch Covid-19 và lũ lụt ở miền trung. 

Theo đánh giá của tạp chí The Economist, Việt Nam nằm trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và là một trong 10 quốc gia tăng trưởng tốt nhất thế giới. Năm 2021 - năm đầu của nhiệm kỳ mới và cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với khí thế của năm 2020 và thành công của Đại hội Đảng, một vận hội mới cho đất nước đang rộng mở.

Thực tế đã minh chứng, trước biến cố khốc liệt trong năm 2020, sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết vượt qua gian lao của dân tộc Việt Nam một lần nữa được khơi dậy. Ngay khi phát hiện chủng virus thâm nhập Việt Nam, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép: “Chống dịch và phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền và đảm bảo an sinh xã hội”. Với mục tiêu nhất quán như vậy, khi những ca nhiễm virut đầu tiên xuất hiện, các biện pháp y tế đã được triển khai quyết liệt nên dịch bệnh đã được khống chế nhanh chóng. Hàng loạt chính sách giãn, hoãn, giảm các khoản thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ra đời đã nhanh chóng lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước liên tục chuyển hướng chảy mạnh vào Việt Nam. Đến tháng 12-2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn được duy trì với số vốn đăng ký mới khoảng 21 tỷ USD theo giá trị tuyệt đối đưa tổng số doanh nghiệp (DN) có vốn FDI đăng ký hoạt động tại Việt Nam lên hơn 25.000 DN, với tổng tài sản chiếm gần tám triệu tỷ đồng. Những DN này đã tạo ra hàng triệu việc làm và thu về hàng tỷ USD hàng hóa xuất khẩu (XK), đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội trong nước. 

Song hành với nguồn vốn FDI, thị trường chứng khoán (TTCK) được coi là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 1-2020, một đợt bán tháo cổ phiếu và sự sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy trên  toàn cầu. VN Index chỉ trong hai tháng quý I - 2020 đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm. Vào thời điểm này người lạc quan nhất cũng khó có thể tin vào sự hồi phục mạnh mẽ của VN Index. Nhưng với đà phục hồi của nền kinh tế, TTCK đã nhanh chóng hồi phục và liên tục tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 12-2020 đã có hơn 300.000 tài khoản CK mở mới tính từ đầu năm 2020, một kỷ lục trong suốt nhiều năm qua. Kỷ lục thứ hai là dòng tiền. Tính từ đầu tháng 4-2020 tới nay dòng tiền vào TT theo một hướng đi lên. Thanh khoản TT cổ phiếu tăng đột phá, đạt bình quân gần 7.400 tỷ đồng/phiên, riêng các tháng 11 và 12-2020 lần lượt đạt mức trung bình 10.000 và 14.800 tỷ đồng/phiên, tăng hơn hai lần so mức bình quân năm trước. Quy mô vốn hóa của TT cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020. Một  kỷ lục của 20 năm lịch sử TTCK Việt Nam.

Mặt khác, với chính sách tài khóa linh hoạt, chính sách tiền tệ được điều hành bền vững, lãi suất thấp, tỷ giá hối đoái ổn định là động lực giúp các DN sớm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, tạo ra những đơn hàng XK, nhất là XK các mặt hàng thiết yếu. Năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%. Tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là thành công rất lớn và đã thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Trong đó xuất nhập khẩu được đánh giá là điểm sáng, với tổng kim ngạch ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so năm trước, trong đó XK hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, nhập khẩu 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016. 

Số liệu từ Bộ Tài chính đến hết ngày 30-12-2020, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý đạt 1.261.662 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán. Tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế từ đầu năm đến thời điểm 7 giờ ngày 31-12-2020 đạt 315.581 tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.448.096 tỷ đồng, bằng 95,75% so dự toán năm 2020. Đây là những con số rất tích cực nhằm bảo đảm cân đối NS, ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn xã hội.

Chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng -0
Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển.  Ảnh: TTXVN 

Niềm tin và thời cơ để phát triển

Việc khống chế thành công dịch bệnh và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh của Đảng và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bước sang năm 2021, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên với những kết quả đạt được từ năm 2020 đã mở ra cho chúng ta một thời cơ mới để phát triển. 

Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 28 và 29-12-2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành năm 2021 GDP đạt hoặc cao hơn mức 6,5%, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi. 

Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 là đầy tham vọng khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng xét trên bình diện những gì chúng ta làm được trong năm 2020 thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu đó, bởi lẽ năm 2021 hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng như: Hiệp định Thương mại tự do Liên hiệp châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… đã phát huy hiệu quả. Điều này sẽ kéo theo việc dịch chuyển đầu tư của các DN lớn từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Bên cạnh đó các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã và đang thích nghi dần với đại dịch, do vậy việc đóng cửa toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ không xảy ra như ở những tháng đầu năm 2020, nhu cầu bên ngoài sẽ dần phục hồi, tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường XK nhiều hơn nữa, rất có lợi cho một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. 

Bên cạnh những yếu tố từ bên ngoài, những yếu tố từ nội lực cũng đang được đẩy mạnh như việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý điều hành; cơ cấu lại dòng vốn và thương mại quốc tế, tiếp tục giảm lãi vay… cùng với việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khởi công hàng loạt dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Quảng Ninh - Móng Cái… những yếu tố này sẽ tiếp tục tác động tích cực đến tăng trưởng trong năm 2021 và tạo đà cho những năm tiếp theo.