Việt Nam có pháp luật của Việt Nam

Ngày 15-12-2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tiến hành phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Đức Thạch bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, diễn ra trong thời gian dài, xâm phạm sự thống nhất về nền tảng tư tưởng chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với thể chế chính trị ở Việt Nam, đe dọa tới sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Vì thế, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 109; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 43, Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Đức Thạch 12 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quản chế ba năm kể từ khi hết thời hạn chấp hành phạt tù.

Như thường lệ, sau khi Trần Đức Thạch bị bắt tạm giam để điều tra, trước và sau khi phiên tòa xét xử Trần Đức Thạch được tiến hành, một số tổ chức cá nhân, vốn thường xuyên chống phá hoặc thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng đòi trả tự do cho người này, rồi la lối phản đối kết quả vụ án. Nổi lên có Theo dõi nhân quyền (HRW), tổ chức khủng bố “Việt tân”. Với HRW thì không nói làm gì, vì với các vụ án như của Trần Đức Thạch mà HRW không phản đối mới là chuyện lạ, còn tổ chức khủng bố “Việt tân” thì theo sát chi tiết diễn biến vụ án, và hành xử cứ như là bị quẫn trí vì không bảo vệ được “con cưng”. Cũng không có gì lạ nếu biết rằng Trần Đức Thạch từng tham gia cái gọi “hội anh em dân chủ” được tổ chức khủng bố “Việt tân” chu cấp tiền bạc và Hà Đông Xuyến (quốc tịch Mỹ, “ủy viên trung ương” tổ chức khủng bố Việt Tân) tham gia điều hành hành trang fanpage của tổ chức bất hợp pháp này. 

Tuy nhiên, dù HRW, tổ chức khủng bố “Việt tân” hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phản đối các vụ án như với Trần Đức Thạch đều không có ý nghĩa gì, vì Việt Nam có pháp luật của Việt Nam, người nào có hành vi vi phạm đều bị xử lý, người nào cố tình vi phạm nhiều lần và ngày càng trầm trọng thì mức án càng cao. Như Trần Đức Thạch, năm 2009 phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt Trần Đức Thạch ba năm tù, quản chế ba năm tại nơi cư trú kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù vì phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999. Sau đó trong thời hạn luật định, do Trần Đức Thạch kháng cáo, nên Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội đã thụ lý, đưa ra xét xử và y án đối với Trần Đức Thạch. Mãn hạn tù, Trần Đức Thạch tiếp tục có nhiều hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Từ tháng 3-2013, ông ta tham gia khởi xướng và thành lập “hội anh em dân chủ”, đến tháng 12-2015, làm việc với Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An, ông ta viết bản cam kết từ bỏ “hội anh em dân chủ”, không tiếp tục thực hiện hoạt động chống đối Nhà nước Việt Nam, song “ngựa quen đường cũ”, Trần Đức Thạch vẫn tiếp tục hoạt động chống phá chính quyền và bản án vừa qua là thích đáng. HRW hay bất kỳ tổ chức nào phản đối cũng không thể thay đổi.