“Tuyệt thực” kết thúc trong sự bẽ bàng!

Ngày 5-2, VOA đăng clip nhan đề “Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức ngừng tuyệt thực”. Lời dẫn từ clip cho biết “Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức vừa dừng tuyệt thực hôm 3-2, cho biết rằng ông đã “đạt được mục đích của mình” sau hơn 70 ngày tranh đấu để yêu cầu chính quyền phản hồi đơn khiếu nại của ông, theo tin từ gia đình”!

Lời dẫn ghi lại lời của em trai Trần Huỳnh Duy Thức thông báo với VOA về cuộc điện thoại phạm nhân này gọi từ trại giam. Do đó, như thông báo của gia đình Trần Huỳnh Duy Thức, thì phạm nhân này đã “tuyệt thực” 71 ngày (từ ngày 23-11-2020 đến 3-2-2021). 

Theo bài báo “Không ăn, không uống sau bao lâu thì chúng ta chết?” đăng trên trang khoahoc.tv thì một trong những kỷ lục tuyệt thực là “năm 1981, thành viên của Quân đội Cộng hòa Ireland khi bị bắt giam tại Anh đã tổ chức tuyệt thực để phản đối, họ chỉ uống một chút nước mỗi ngày chứ không đụng đến thức ăn. Phó Thủ tướng Anh khi ấy là Margaret Thatcher đã quyết tâm không nhượng bộ những người tù chính trị này. Kết quả là 10 người đã tuyệt thực cho đến chết, trong số đó Kieran Doherty là người có thời gian tuyệt thực lâu nhất, ông nhịn ăn 73 ngày trước khi chết”. Như vậy, so sánh đơn giản thì thời gian “tuyệt thực” của phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức chỉ kém thời gian tuyệt thực của Kieran Doherty hai ngày, nhưng đáng nói là Kieran Doherty đã qua đời, còn Trần Huỳnh Duy Thức vẫn sống tốt. Vậy điều gì đã dẫn tới sự khác nhau? Câu trả lời cũng không phức tạp, vì nếu khi tuyệt thực, Kieran Doherty “chỉ uống một chút nước mỗi ngày, không đụng đến thức ăn”, thì theo em trai của Trần Huỳnh Duy Thức đã kể trên VOA, Trần Huỳnh Duy Thức “chỉ dùng một ít sữa mỗi ngày nên sức khỏe tạm ổn, huyết áp và đường huyết đã trở lại bình thường, số cân cũng không giảm nữa”! Từ đó có thể thấy việc “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức hoàn toàn khác biệt so với việc Kieran Doherty tuyệt thực vào năm 1981. 

Cũng trong clip ngày 5-2, VOA dẫn lời của em trai Trần Huỳnh Duy Thức kể rằng “chưa có cơ quan nào của Việt Nam phản hồi đơn thư của ông Thức”, tức là đến ngày tuyên bố dừng “tuyệt thực”, đòi hỏi của Trần Huỳnh Duy Thức chưa được đáp ứng, vậy sao có thể nói phạm nhân này “đạt được mục đích của mình”? Đòi hỏi của phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức không được đáp ứng cũng đúng thôi, bất cứ người nào có hiểu biết về pháp luật cũng thấy đó là đòi hỏi quá phi lý. Vì bản án của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh dựa trên Bộ luật Hình sự năm 1999 đã tuyên với Trần Huỳnh Duy Thức ngày 20-1-2010 là căn cứ vào các hành vi phạm tội của ông ta trước năm 2010, nay Trần Huỳnh Duy Thức đòi hỏi phải xét lại vụ án theo Bộ luật Hình sự năm 2015 là quá phi lý. Quá phi lý nhưng tại sao Trần Huỳnh Duy Thức vẫn đưa ra? Câu trả lời cũng không khó lắm, chẳng qua Trần Huỳnh Duy Thức cố làm mình làm mẩy để mấy kẻ đã từng o bế anh ta đừng vội lãng quên, biết đâu lại kiếm được cái giải thưởng từ các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam. Nhưng xem ra diễn mãi cũng nhàm, nên sau mấy lần tuyên bố “tuyệt thực đến chết”, lần này cái trò “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức đã kết thúc trong sự bẽ bàng, không kèn không trống, chỉ thấy VOA làm cái clip vuốt đuôi, còn tất cả… hầu như im ắng!