Phải chăng họ muốn dung túng cho tội ác?

Ngày 16-10-2020, với vẻ hớn hở vốn có, trang tiếng Việt VOA cho biết ba dân biểu Liên bang Mỹ H. Rouda, A. Lowenthal, L. Correa và 12 dân biểu Mỹ khác gửi thư đến Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ “bày tỏ lo ngại sâu sắc về các phản ứng đầy bạo lực, cũng như bản án hà khắc của chính quyền Việt Nam với vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm”, “yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ buộc chính quyền Việt Nam điều tra về cái chết của ông Lê Đình Kình, yêu cầu Bộ Ngoại giao đặt vấn đề về vụ án Đồng Tâm trong các cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ - Việt”; kèm theo thư còn có văn bản liên quan sự việc xảy ra tại Đồng Tâm được soạn thảo bởi một người mới bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” cùng một kẻ là người Mỹ gốc Việt vì vi phạm luật pháp Việt Nam nên đã bị trục xuất.

Tin này lập tức được khuếch đại qua mấy cái loa rè như RFA, nguoi-viet,… được tiếp âm tại một số địa chỉ truyền thông của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam.

Trước hết phải nói rằng, với việc công bố bức thư cho báo giới Mỹ, 15 vị dân biểu chỉ nhằm mục đích duy nhất là cố tình rùm beng sự việc để lấy lòng và kiếm phiếu từ phe nhóm chống cộng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. 15 vị dân biểu thừa biết rồi sẽ chẳng đâu vào đâu, bởi các vị từng ký, công bố vô số thư, kiến nghị tương tự để vu cáo Việt Nam, yêu cầu chính phủ Mỹ phải làm thế này, phải thế khác song kết quả luôn chỉ là con số “0”. Đọc những gì được VOA dẫn lại, dễ nhận ra sự thật là 15 vị dân biểu hoàn toàn không đếm xỉa hay quan tâm gì tới thông tin chính thức từ Việt Nam, cố tình dựa vào thông tin từ các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam để lên tiếng. Oái oăm là các vị vu cáo Việt Nam đã “phản ứng đầy bạo lực, bản án hà khắc” trong một vụ án mà tại phiên xét xử, các bị cáo đều thành khẩn nhận tội, xin được hưởng khoan hồng, một số người còn từ chối luật sư, như không muốn phải nghe theo “ý kiến tư vấn” có khi còn làm cho tội nặng hơn! Từ kết quả phiên tòa sơ thẩm, nếu thật sự có ý thức thượng tôn pháp luật và lương tri, lẽ ra 15 vị dân biểu cần phải ủng hộ cơ quan hành pháp của Việt Nam xét xử nghiêm minh nhưng rất nhân đạo, chứ sao lại đưa ra phát ngôn xuyên tạc sự thật, trái ngược với tinh thần văn minh của xã hội văn minh? Thêm nữa, trước khi gửi thư đến Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, lẽ ra 15 vị dân biểu cần phải khảo sát để thấy sau khi phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Đồng Tâm (Việt Nam) kết thúc, không có chính phủ nước nào lên tiếng phản đối, bởi các chính phủ đều biết, phản đối kết quả phiên tòa cũng tức là đồng lõa, dung túng cho tội ác.

Vi phạm pháp luật, dù ở Việt Nam hay ở Mỹ cũng đều phải bị xét xử trên cơ sở pháp luật Việt Nam hoặc Mỹ. Việt Nam là một nước có chủ quyền, có hệ thống pháp luật riêng với tư cách là “hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội”. Vì thế 15 vị dân biểu Mỹ nên thấu triệt nguyên tắc này để không có phát ngôn xâm phạm thô bạo đến chủ quyền và công việc nội bộ của Việt Nam.