OHCHR bênh vực, biện hộ cho hành vi phạm pháp?

Ngày 4-6-2020, trong bản tin nhan đề “LHQ cảnh báo Việt Nam về việc trấn áp mạng xã hội trong dịch Covid”, VOA cho biết ngày 3-6-2020, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) “lên tiếng báo động về tình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam”. Và bà M.Bachelet - người đứng đầu OHCHR, cho rằng việc Việt Nam xử lý các cá nhân đã loan truyền “thông tin sai lệch” trên mạng xã hội là “hành động vi phạm nhân quyền, cụ thể là quyền tự do ngôn luận tại thời điểm bùng phát dịch Covid-19”!

Ý kiến của bà M.Bachelet khiến nhớ đến phát biểu của bà ngày 6-3-2020 tại Geneve (Thụy Sĩ), đề cập các hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19 của chính phủ các nước trên thế giới, bà nói rằng cởi mở, minh bạch là chìa khóa để trao quyền, khuyến khích mọi người tham gia các biện pháp được thiết kế nhằm bảo vệ sức khỏe của chính họ và mọi người, “giúp chống lại thông tin sai lệch hoặc giả mạo có thể gây hại lớn vì thúc đẩy sự sợ hãi và định kiến”. Đối với Việt Nam, cởi mở và minh bạch là một trong các yếu tố quan trọng nhất giúp phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, nhanh chóng khống chế dịch bệnh và bảo vệ tính mạng của người dân, được dư luận thế giới đánh giá rất cao. Như ông K. Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã nói: “Việt Nam nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch và kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả”, và ông “ấn tượng trước sự hợp tác của toàn thể nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện lòng tin của người dân và của toàn xã hội đối với công việc này”. Hoặc ngày 20-4-2020, trong bức thư gửi đến lãnh đạo Việt Nam và các cơ quan hữu quan, 77 tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn, sự trân trọng sâu sắc, ủng hộ hoạt động của Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã “vào cuộc kịp thời, minh bạch và hiệu quả trong cuộc chiến nhằm đẩy lùi dịch Covid-19”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó lại xuất hiện một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để đưa tin sai, không đúng sự thật, tuyên truyền nhảm nhí, lợi dụng đại dịch để chống đối chính quyền, khiến dư luận hoang mang, gây mất ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới những biện pháp phòng, chống do các cơ quan chức năng triển khai,… Đó là “thông tin sai lệch hoặc giả mạo có thể gây hại lớn vì thúc đẩy sự sợ hãi và định kiến” như ý kiến của bà M.Bachelet, đã xuất hiện trên phạm vi thế giới, đến mức ông T.A Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phải gọi đây là “đại dịch tin giả” và cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh, dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”. Chính phủ các nước trên thế giới đã kiên quyết xử lý loại hiện tượng này, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bởi đó không phải là thực hiện quyền tự do biểu đạt mà là hành vi phá hoại xã hội, xâm phạm quyền và tính mạng của người khác. Lẽ ra, với vai trò ở LHQ, OHCHR phải ủng hộ các chính phủ trên thế giới xử lý hiện tượng tiêu cực để bảo vệ người dân, bảo vệ xã hội, thì OHCHR lại đi bênh vực, biện hộ cho kẻ xấu, vu cáo Việt Nam và nhiều nước khác. Vì thế, đó không chỉ là việc làm rất đáng tiếc, mà là việc làm cần phải phê phán.